Nhằm giáo dục học sinh về những giá trị truyền thống, tạo sự hứng thú với môn Lịch sử, ngay từ khi còn là Hiệu trưởng Trường THCS Mạo Khê II, thầy giáo Nguyễn Hồng Quảng (nay được điều chuyển về làm Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Đức Cảnh, thị xã Đông Triều) đã luôn trăn trở. Ý tưởng “Công viên lịch sử” trong nhà trường được triển khai.
Trên bức tường bao quanh khuôn viên trường, nhà trường cho vẽ và đắp các hình ảnh, phù điêu bằng gốm sứ, như lăng vua Hùng, hình ảnh hai Bà Trưng cưỡi voi ra trận, hình rồng thời Lý, hình rồng thời Trần, trận chiến Bạch Đằng năm 938 và 1288, bài thơ Thần của Lý Thường Kiệt...

Thầy giáo Nguyễn Hồng Quảng (bên phải) trao đổi với các đồng nghiệp trẻ về mô hình Công viên lịch sử.
Trong khu vườn cây bóng mát, nhà trường cho xây dựng các mô hình, như: ải Chi Lăng (Lạng Sơn), thành Cổ Loa (Hà Nội), thành nhà Hồ (Thanh Hoá), cổng Ngọ Môn (Huế), bến Nhà Rồng, Dinh Độc Lập (TP HCM), hầm tướng De Castries (Điện Biên); cột mốc đảo Trường Sa (Khánh Hoà) và cột ghi lại chủ quyền của Việt Nam trên đảo Hoàng Sa (TP Đà Nẵng)...
Trên các hình ảnh, mô hình đó đều có bảng ghi chú về công trình và chú giải lịch sử cụ thể. Học sinh chỉ cần đi dạo quanh khuôn viên nhà trường là có được tư liệu lịch sử về các triều đại từ thời vua Hùng đến nhà nước phong kiến Việt Nam và một số chiến thắng của dân tộc Việt Nam trong công cuộc chống quân xâm lược, gìn giữ non sông...
Thầy Nguyễn Hồng Quảng cho rằng từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng và từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn là quy luật của nhận thức. Mô hình công viên lịch sử trong nhà trường giúp các em nhận thức theo quy luật ấy và tạo môi trường “xanh - sạch - đẹp” cho cảnh quan nhà trường.
Được nuôi dưỡng tình yêu với môn Lịch sử, năm học 2014-2015 trong cuộc thi “Em yêu lịch sử Việt Nam”, Trường THCS Mạo Khê II có 2 học sinh, là em Ngô Thị Phương Linh (học sinh khoá 2011-2014, nay đang học tại Trường THPT chuyên Hạ Long) đạt giải đặc biệt toàn quốc và em Đào Vũ Ngọc Huyền, hiện là học sinh lớp 7B2, đạt giải nhì toàn quốc.
Theo báo Quảng Ninh