Sáng nay, hàng loạt ý kiến của đại biểu HĐND thành phố chất vấn nạn "xẻ thịt" công viên để xây dựng các công trình sai mục đích như tại công viên Tuổi Trẻ, Thành Công, vườn thú Thủ Lệ...
Đại biểu Nguyễn Hoài Nam ví von hồ Thành Công như "ao làng" bởi mật độ xây dựng tăng cao quanh hồ và hồ Hoàn Kiếm cũng tương tự như vậy nếu mấy năm trước không ngăn chặn được việc xây dựng tòa nhà Điện lực. Xây dựng trái phép tại công viên Thủ Lệ cũng đã diễn ra 4-5 năm, thành phố đã yêu cầu phá dỡ tất cả công trình lấn chiếm trong công viên, song đến nay vẫn chưa hoàn tất, vẫn còn những nhà hàng lấn công viên kinh doanh sai mục đích.
Đại biểu Nguyễn Hoài Nam: "Hồ Thành Công như ao làng". Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Với công viên Tuổi Trẻ, đại biểu này bức xúc khi xuất hiện nhiều công trình như sân tenis, nhà hàng, quán bar... Đây là do lỗi quản lý yếu kém của địa phương trong khi doanh nghiệp đầu tư là Công ty đầu tư và dịch vụ Tuổi Trẻ cố tình xây dựng sai mục đích.
"Sai phạm của chủ đầu tư này đã 10 năm, họ lấn chiếm, xây dựng sai mục đích. Tại 2 khóa họp HĐND, thành phố đã khẳng định xem xét và thay thế chủ đầu tư, nhưng họ vẫn tiếp tục được làm và tiếp tục sai phạm, thậm chí có dấu hiệu phạm pháp hình sự. Vậy trách nhiệm của thành phố và chủ đầu tư ra sao?", ông Nguyễn Hoài Nam đặt vấn đề.
Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai chất vấn, đến nay Hà Nội đã tiến hành xã hội hóa những công viên nào, nếu vướng mắc thì thành phố có đề xuất cơ chế như thế nào. Bà Mai cho rằng, tốc độ xã hội hóa công viên ở Hà Nội chậm chạp như công viên Tuổi Trẻ đã 10 năm không hoàn thành, trong khi TP HCM đã hình thành nhiều công viên xã hội hóa, thu hút được rất nhiều khách du lịch đến.
Trả lời đại biểu Phạm Hoài Nam, Phó chủ tịch Hà Nội Nguyễn Văn Khôi, cho biết, công viên Tuổi Trẻ từ 2001 đến 2007 đã có 25 công trình sai phép, thành phố đã cưỡng chế cơ bản hoàn thành, song vẫn còn một số hạng mục còn tồn tại, phấn đấu quý 4 năm nay hoàn thành. Thành phố cũng đã tháo dỡ 2 công trình sai phép năm 2008 tại công viên Thủ Lệ.
Phó chủ tịch Hà Nội Nguyễn Văn Khôi giải trình trước HĐND. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Công viên hồ Thành Công có nhiều công trình được điều chỉnh từ quy hoạch cũ vào các năm trước. Tuy nhiên, hiện nay những công trình mới như khu làm việc của công ty xăng dầu, nhà văn hóa và bể bơi Thành Công, khu tổ hợp văn phòng, nhà ở cho thuê chưa xây dựng thì sẽ được rà soát, kiểm soát mật độ xây dựng.
Ông Khôi cũng cho rằng, việc thực hiện xã hội hóa công viên rất khó khăn, như công viên Thống nhất đã mời gọi đầu tư song có doanh nghiệp muốn xây dựng 5 tầng hầm kinh doanh và tầng nổi, do vậy thành phố không chấp thuận vì có thể phá vỡ quy hoạch. Thời gian qua, thành phố đã cố gắng xã hội hóa được công viên Dịch Vọng và Yên Sở.
Chưa thỏa mãn, đại biểu Nguyễn Hoài Nam tái chất vấn, mặc dù có quy hoạch song điều chỉnh mật độ xây dựng tại công viên Thành Công là cả một vấn đề, phải phù hợp cảnh quan và có đồng ý của dân cư, song không được xem xét kỹ. Ngoài ra, đại biểu này đặt vấn đề, thành phố quyết định chuyển đổi công viên Tuổi Trẻ thành Trung tâm thanh thiếu niên liệu có phải để hợp thức hóa việc xây dựng 4 sân tennis, quán bar... tại đây.
Trợ giúp lãnh đạo thành phố trả lời, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Nguyễn Văn Hải cho biết, văn phòng Tập đoàn Dầu khí đã được thành phố phê duyệt từ 2004. Song trước đó, năm 1996, thành phố đã có quy hoạch xây dựng khách sạn cao tầng tại vị trí này và kêu gọi đầu tư. Sau này, Tập đoàn Dầu khí mua lại dự án khách sạn và biến thành văn phòng theo quy hoạch trước kia.
Ông Nguyễn Văn Hải cũng khẳng định, các công trình quanh hồ Thành Công như bể bơi và nhà văn hóa, khách sạn Phương Đông... mặc dù xin điều chỉnh tầng cao song sẽ vẫn giữ đúng quy hoạch công viên.
Phó chủ tịch HĐND Lê Văn Hoạt: "Phải xem xét trách nhiệm từ trên xuống dưới". Ảnh: Ngyễn Hưng. |
Trước những ý kiến tranh luận, Phó chủ tịch HĐND Lê Văn Hoạt, đặt vấn đề trách nhiệm của những người buông lỏng quản lý, để xảy ra sai phạm tại các công viên. "Chúng ta phải xem xét trách nhiệm từ trên xuống, cá nhân người phụ trách, của lãnh đạo sở ngành quận huyện đến đâu. Trong đó cũng có trách nhiệm của HĐND, đã 2 lần chất vấn song vấn đề chưa được giải quyết, cử tri vẫn bức xúc. Các tổ chức có khuyết điểm thì phải có trách nhiệm kiểm điểm", ông Hoạt bày tỏ.
Phó chủ tịch Nguyễn Văn Khôi khẳng định, không đổ trách nhiệm bởi trách nhiệm của UBND thành phố là trước hết. Trong các giải trình đã đưa rõ sai phạm tại công viên Tuổi trẻ, Thành Công liên quan đến cơ quan nào, thành phố sẽ xử lý theo thẩm quyền.
Chốt lại phiên chất vấn, bà Ngô Thị Doãn Thanh, Chủ tịch HĐND thành phố cho rằng, trong quy hoạch chung thủ đô đến 2030, Hà Nội đạt tỷ lệ 10-15% cây xanh trên đầu người, phấn đấu trở thành thành phố xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại. Cây xanh, hồ nước là một đặc điểm của thủ đô, được cha ông để lại. Do vậy, mỗi người phải có trách nhiệm làm tốt hơn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Bà Thanh đề nghị thành phố rà soát lại các quy hoạch công viên và từng công viên, theo hướng không điều chỉnh tăng mật độ xây dựng. Phải có mô hình công viên mở công cộng đáp ứng nhu cầu người dân và các công viên vui chơi giải trí do doanh nghiệp đầu tư.
Đoàn Loan