Thứ sáu, 19/4/2024
Thứ bảy, 3/8/2019, 00:00 (GMT+7)

Công viên 23 tháng 9 trong tương lai

Công viên rộng 11 ha sẽ được cải tạo đầu năm 2020, 4 tầng hầm thông lên đường Hàm Nghi, Lê Lợi, phố đi bộ Nguyễn Huệ, cầu đi bộ qua Thủ Thiêm...

Công viên 23 tháng 9 ở quận 1, được giới hạn bởi Quảng trường Quách Thị Trang và các đường Phạm Ngũ Lão, Lê Lai, Nguyễn Trãi.

Đầu năm 2020, công viên sẽ được xây dựng thành công trình hiện đại nhất TP HCM - được kỳ vọng là điểm nhấn kiến trúc và không gian công cộng cho người dân, khách du lịch đến vui chơi cả ngày lẫn đêm.

Trong ảnh là phối cảnh công viên nhìn từ trên cao.

Phương án thiết kế này của Công ty TNHH Lava đạt giải nhì (không có giải nhất) hình thành từ 4 yếu tố: thiên nhiên (tôn trọng mảng xanh hiện hữu, thay đổi cao độ thiết kế tạo cảm giác gần gũi thiên nhiên); con người (tăng tính kết nối và không gian sinh hoạt công cộng như đài phun nước, đường đi bộ, đường chạy xe đạp, các dụng cụ tập thể thao, sân trượt patin...); quá khứ (truyền tải giá trị lịch sử khu vực từng là ga xe lửa đầu tiên ở Đông Dương); tương lai (áp dụng công nghệ hiện đại để bảo vệ môi trường).

Tổng thể khu C của công viên (gần giao lộ Tôn Thất Tùng - Lê Lai).

Ranh thiết kế ý tưởng bao gồm toàn bộ diện tích mặt đất của Công viên 23 tháng 9, một phần Quảng trường ga Metro, đảo giao thông tại giao lộ Tôn Thất Tùng - Lê Lai và 4 tầng hầm trải dài bên dưới toàn bộ khu vực này.

Khu công viên văn hóa trong Công viên 23 tháng 9.

Với mục tiêu lưu giữ một phần linh hồn của đô thị Sài Gòn xưa, thiết kế mới chọn lọc những đường nét của đường ray xe lửa cũ thông qua việc thiết kế những đường dạo, cầu bộ hành, nối 3 phân khu đang bị chia tách bởi các tuyến đường xuyên khu vực và kết thúc bằng các biểu tượng kiến trúc thanh thoát, nhẹ nhàng.

Khu vực đài phun nước trong công viên. Đây sẽ là không gian công cộng để người dân thư giãn, giải trí.

Theo ông Hoàng Tùng (Phó giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM) sau khi xây dựng lại, công viên không chỉ là công trình phức hợp trên mặt đất mà còn có không gian công cộng, bến xe buýt, bãi đậu xe, trung tâm thương mại... ngầm. Tất cả đều kết nối với nhà ga Metro Bến Thành.

Một góc công viên vào ban đêm.

Thành phố dự kiến 100% diện tích mặt đất là công viên công cộng, các chức năng khác được bố trí ở 4 tầng ngầm. Công viên kết nối tuyến Metro Số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) ở tầng hầm và kết nối liên tục lên mặt đất bằng không gian mở (nhiều cây xanh) tại trục Hàm Nghi, Lê Lợi, đường đi bộ Nguyễn Huệ, Công viên cảng Bạch Đằng, hai cầu đi bộ qua Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2).

Theo đơn vị thiết kế, không gian quảng trường và khu biểu diễn được bố trí tại những cao độ khác nhau cả trên và dưới mặt đất, sử dụng các giải pháp thiết kế thông tầng kết hợp ứng dụng hệ thống cây nhân tạo như: cây năng lượng mặt trời (dùng năng lượng mặt trời cung cấp điện năng), cây thu nước mưa (tái tạo sử dụng cho tưới tiêu trong công viên), cây thông gió (sử dụng để tăng khả năng thông thoáng cho phần không gian bên dưới tầng hầm)...

Các phân khu chức năng trên mặt đất: văn hóa, thể thao, nhạc nước, quảng trường trung tâm, lối dạo vườn cảnh, quảng trường nhà ga Metro.

Thiết kế phần ngầm tầng một và 2 gồm có trạm xe bus, thương mại, triển lãm, nơi đỗ xe, tiện ích công cộng, cây xanh hiện hữu, khu kết nối dự kiến với nhà ga Bến Thành và nhà ga ngầm C1 tuyến Metro 3a; tầng ngầm 3 và 4 là bãi đỗ xe, hệ thống kỹ thuật công trình ngầm.

Ngoài ra, công viên có các hồ điều tiết ngầm, công nghệ hiện đại, tích nước mưa phục vụ tưới tiêu, hạn chế tối đa việc ngập nước tại khu vực xung quanh.

Công viên 23/9 được tạo lập trên nền nhà ga xe lửa Sài Gòn. Đây là mảng xanh đô thị lớn, có ý nghĩa quan trọng trong khu vực trung tâm thành phố, đồng thời là không gian nối kết các khu vực thương mại và dịch vụ quan trọng như chợ Bến Thành, khu phố du lịch Bùi Viện - Phạm Ngũ Lão, khu vực thương mại dịch vụ Lê Lai – Nguyễn Trãi, chợ Thái Bình.

Hữu Công (Ảnh: Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM)