''Bây giờ hầu hết công việc bán thời gian được chia thành các ca làm việc ngắn. Tôi muốn tìm việc toàn thời gian nhưng không có. Có thể tôi phải tìm thêm công việc thứ hai'', một người trẻ chia sẻ trên diễn đàn trực tuyến, nhận nhiều đồng cảm.
Một người khác cho biết kể cả công việc ở cửa hàng tiện lợi cũng không tuyển người làm toàn thời gian. Các ca làm việc chỉ kéo dài ba giờ một ngày, không đủ mang lại thu nhập ổn định.
Nỗi thất vọng này được chia sẻ bởi những người tìm việc trẻ trực tuyến, cho thấy thách thức về việc làm thanh niên Hàn Quốc phải đối mặt đang ngày càng tăng.
Vấn đề được phản ánh trong số liệu thống kê thị trường lao động gần đây. Cụ thể, số lao động bán thời gian, dưới 14 tiếng mỗi tuần đạt mức kỷ lục vào năm ngoái.

Ảnh minh họa: Gettyimagebank
Theo cổng thông tin dữ liệu quốc gia của Cục Thống kê Hàn Quốc, số lao động ngắn hạn đạt 1,74 triệu người vào năm ngoái, chiếm 6,09% tổng số người có việc làm, mức cao nhất mọi thời.
Danh sách việc của một cửa hàng tiện lợi quận Nowon, đông bắc Seoul minh họa cho xu hướng này. Cửa hàng quảng cáo ca làm việc hai lần một tuần từ 2h30 chiều đến 7h tối, chỉ 9 tiếng mỗi tuần. Trong khi trước đây, các vị trí toàn thời gian phổ biến hơn.
''Tôi làm việc ba ca tối một tuần, mỗi ca kéo dài ba giờ, nhưng tiền lương không đủ trang trải chi phí'', Park, 22 tuổi, làm việc tại một cửa hàng tiện lợi ở Seoul cho biết. Đó là lý do nhiều bạn bè cô làm nhiều công việc bán thời gian tại các tiệm bánh hoặc quán cà phê.
Các chuyên gia lao động cho rằng các doanh nghiệp đang cố tình trốn phúc lợi việc làm nên xuất hiện tình trạng gia tăng việc làm ngắn hạn.
Theo luật lao động Hàn Quốc, những nhân viên làm việc ít hơn 15 giờ một tuần không được hưởng ngày lễ có lương, nghỉ phép hàng năm hoặc trợ cấp thôi việc. Do đó, nhiều nhà tuyển dụng đang cấu trúc công việc bán thời gian thành các ca làm việc ngắn, rời rạc.
Nhưng dù tính cả lao động ngắn hạn thì tỷ lệ làm việc của thanh niên Hàn Quốc đã giảm. Tháng 1, tỷ lệ việc làm của người 15-29 tuổi giảm còn 44,8% so với 46,3% của năm trước. Tháng 12/2024, tỷ lệ làm việc giảm xuống 44% so với 45-46% ở các tháng khác trong năm.
Năm ngoái, 421.000 người trẻ thuộc nhóm ''thanh niên nghỉ ngơi'', tức là những người tự nguyện ngừng tìm việc, tăng 20.000 so với năm trước.
Với nhiều người, áp lực tài chính khi phải cân bằng giữa tìm việc và học tập với thu nhập ít từ những ca làm việc ngắn hạn đang gây ảnh hưởng.
Tỷ lệ thất nghiệp tăng 0,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, lên 16,4% vào tháng 1. Đây là mức tăng theo năm đầu tiên, kể từ 2021.
Các nhóm lao động đang thúc giục chính phủ tạo nhiều việc làm ổn định và bền vững hơn cho giới trẻ. Phát ngôn viên Liên đoàn công đoàn Hàn Quốc cho biết hầu hết công việc dành cho người trẻ hiện nay đều là những vị trí không ổn định, không thường xuyên. Sự bất ổn về công việc này đang đẩy nhiều người vào nhóm ''nghỉ ngơi''.
Jeon cảnh báo về một vòng luẩn quẩn. Những người trẻ tuổi, chán nản vì công việc kém chất lượng và chi phí nhà ở tăng cao, chuyển sang đầu tư rủi ro vào tiền điện tử hoặc cổ phiếu, với hy vọng an toàn tài chính, chỉ để phải chịu thêm tổn thất.
"Chúng ta cần tập trung vào việc tạo ra những công việc chất lượng cao với mức lương, phúc lợi tốt hơn và sự ổn định lâu dài", ông nói.
Nhật Minh (Theo Korea Times)