![]() |
Tiến sĩ Tạ Bích Loan. |
- Chị chọn đề tài và đi tìm nhân vật như thế nào?
- Là người đang sống cùng thời với mình, với những câu chuyện cụ thể về cuộc sống, thế giới tâm hồn và quá trình lao động của nhân vật. Mỗi kịch bản đưa ra một vấn đề thông qua số phận nhân vật, vấn đề của một người có thể là của một lớp người, một ngành nghề, một thế hệ, một giai đoạn lịch sử. Qua đó, chúng ta có thế thấy bức chân dung xã hội, của người đương thời.
Nhân vật được lựa chọn phải có số phận, tính cách làm nhiều người quan tâm, người đó điển hình và có nhiều đóng góp, ở các lĩnh vực: văn hóa, thể thao, giáo dục, y tế, khoa học, công nghiệp, nông nghiệp, an ninh, quốc phòng... Họ chịu nhiều thiệt thòi để hy sinh cho công việc, xã hội. Câu chuyện về những con người đáng khâm phục sẽ buộc người xem phải so sánh với tầm cao giá trị đạo đức, từ đấy muốn thay đổi suy nghĩ và hành động của mình.
- Chị khai thác nhân vật và tư liệu thế nào?
- Ngoài bộ phận ghi hình, dựng phim, những người làm Người đương thời rất ít. Phụ tá cho tôi chỉ có 2 phóng viên Nguyễn Long và Phạm Thu Hằng, chuyên phỏng vấn các nhân chứng liên quan và nhân vật tại địa điểm họ đang sống, làm việc. Kinh phí thực hiện mỗi số 10 triệu, không có tài trợ. Khi nhân vật ở xa, Đài chi phí đi lại, ăn ở, còn phóng sự, chúng tôi nhờ đồng nghiệp giúp.
- Chị có cho nhân vật biết trước câu hỏi không?
- Không bao giờ có chuyện đó! Tôi chuẩn bị trước câu hỏi theo ý tưởng kịch bản cụ thể mỗi số, nhưng khi trực tiếp phỏng vấn lại phát sinh một số câu mới, theo diễn tiến câu chuyện để chương trình sinh động và cuốn hút hơn. Chúng tôi luôn muốn khêu gợi sự tò mò của khán giả. Thủ pháp thực hiện gồm: đưa ra thư từ, ảnh, nhật ký, vật chứng, tổ chức gặp gỡ với những người có nhiều kỷ niệm ấn tượng với nhân vật và lâu ngày không gặp. Các bước tiến hành gồm: gặp nhân vật chính (khai thác ban đầu để xác định kịch bản khung và các nhân vật phụ); gặp các nhân vật xung quanh để khai thác, tìm kiếm tư liệu, khoanh vùng để tìm nhân vật bất ngờ...
- Sau một năm phát sóng Người đương thời, chị tự đánh giá chương trình này thế nào?
- Một năm là khoảng thời gian quá ngắn để làm tổng kết. Chương trình đầy xúc động, được chú ý, nhưng phải cố gắng để tránh lặp lại. Chuyện vui, buồn thì nhiều lắm. Ví dụ: Thiếu tá Nguyễn Đức Chung (đội trưởng đội trọng án cảnh sát điều tra) đi bắt tội phạm. Tóm được tên giết người cướp xe, anh phì cười khi hắn quay lại bảo: "Ơ, anh à, chính anh à? Hôm nọ em thấy anh trên tivi". Thì ra hắn đã gặp anh Chung trong chương trình Người đương thời.
- Trong 26 số của chương trình, chị tâm đắc số nào nhất?
- Hai số mà tôi tâm đắc nhất là Người xoa dịu những nỗi đau cuộc đời (tháng 5/2001) về GS, BS Nguyễn Tài Thu, sau đó có rất nhiều thư, điện thoại hỏi địa chỉ và tìm đến GS nhờ châm cứu. Thứ hai là Không ai và điều gì lãng quên, về bà Nguyễn Thị Tiến, hiện làm ở Bảo tàng QK4. Bà vẫn tiếp tục đem di vật trong mộ các liệt sĩ vô danh, đi tìm thân nhân cho liệt sĩ. Rất nhiều hài cốt liệt sĩ đã trở về với người thân và nhiều người nhờ bà tìm kiếm. Bà tự nguyện làm việc đó, không đòi hỏi chút gì.
- Nhiều người nói, chương trình khiến người xem xúc động mạnh hơn cả phim truyện. Sang năm, Người đương thời sẽ có thay đổi gì?
- Trong năm 2002, chương trình sẽ phát sóng vào 22h thứ năm, phát lại lần 1 vào 7h 30 sáng thứ sáu và lần hai vào 10h sáng thứ hai tuần sau; chu kỳ vẫn là 2 tuần/số. Nhân sự làm chương trình được tăng thêm, để khâu chuẩn bị kỹ hơn. Tối mùng 3 Tết, chúng tôi sẽ có số truyền trực tiếp lúc 22h. Hôm ấy, khán giả sẽ gặp lại 10 trong số các nhân vật đã xuất hiện trong chương trình năm 2001: GS, BS Nguyễn Tài Thu, cô giáo Nguyễn Thị Hiền (bị ngã vào đống than ở Bình Phước, cháy cụt cả hai tay, giờ làm giáo viên tiểu học), bà Phạm Thị Tỏ (Giám đốc Công ty kẹo dừa Bến Tre), bà Nguyễn Thị Tiến, Thiếu tá Nguyễn Đức Chung, Bùi Lê Na (HCV Vật lý quốc tế 2000)...
(Theo Thể thao - Văn hóa)