Thu, ở quận Tân Bình, TP HCM, được bố mẹ phát hiện bị cong vẹo cột sống từ năm học lớp 7, khám ở Bệnh viện 1A nhưng không điều trị. Từ đó đến khi trưởng thành, Thu thường xuyên đau mỏi vùng lưng, khó thở, không thể leo thang lầu được nhiều. Sau 10 năm chung sống với bệnh, Thu đến Trung tâm hiệu chỉnh cơ xương khớp ở Bệnh viện 1A khám. Bác sĩ Calvin Q Trịnh, Trưởng Trung tâm hiệu chỉnh cơ xương khớp, chẩn đoán Thu bị vẹo cột sống ngực thắt lưng nặng, mất độ ưỡn sinh lý cột sống cổ, các đốt sống ngực đã biến dạng.
"Rất tiếc bệnh nhân này phát hiện bệnh sớm nhưng không điều trị, đến nay đã muộn, không thể trả lại được hình dáng ban đầu", bác sĩ Trịnh nói.
Còn Sơn, 18 tuổi, ở Hải Phòng, phát hiện bệnh từ năm 2018, bác sĩ khuyên tập luyện và mặc áo nẹp nhưng cũng không điều trị. Ba năm sau, tình trạng cong vẹo cột sống ngày càng tiến triển, xuất hiện triệu chứng đau mỏi cơ vùng cổ vai gáy, khó khăn trong sinh hoạt, thường xuyên đau ốm. Lần này Sơn đi khám, bác sĩ ghi nhận vai trái lệch cao gần 5 cm so với vai phải, lồng ngực biến dạng, cột sống cong chữ S, nặng nhất ở đoạn ngực kèm lệch vẹo khung chậu.
Vẹo cột sống là tình trạng cột sống bị cong bất thường, đường cong có thể đổ về phía trước hoặc phía sau (gù cột sống), lệch sang một bên (cong cột sống), tùy nguyên nhân mắc bệnh của từng người. Bệnh thường gặp ở người dưới 18 tuổi, trong đó nhóm 4-10 tuổi mắc nhiều nhất. 80-85% trường hợp vẹo cột sống không rõ nguyên nhân, một số bị bệnh bẩm sinh, hoặc mắc bệnh khác liên quan tới thần kinh - cơ.
Nhiều trường hợp bị vẹo do ngồi sai tư thế lâu ngày hoặc mang vác cặp quá nặng. Khi trẻ có tư thế thân không đúng, lồng ngực thu hẹp dần thành phẳng đều, các góc xương bả vai cách xa cột xương sống và bắt đầu nhô lên, lưng gù, bụng phình ra phía trước.
PGS.TS Đinh Ngọc Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật Cột sống, Bệnh viện Việt Đức, cho biết, nhiều gia đình chủ quan, không quan tâm đến tình trạng bệnh của trẻ để điều trị sớm nên hậu quả đáng tiếc. Như bé gái quê ở Thái Nguyên, năm 2020, bé 8 tuổi, vẹo cột sống khoảng 40 độ, bác sĩ bệnh viện tỉnh chỉ định tập phục hồi chức năng với mặc áo nẹp, sau đó do đại dịch Covid nên kế hoạch bị gián đoạn. Tháng 5/2022, kết quả khám tại Bệnh viện Việt Đức cho thấy bé bị vẹo cột sống 68 độ, dáng đứng không thẳng, vai trái thấp hơn vai phải, lưng gồ khi cúi người, phải nhập viện phẫu thuật.
"Trẻ không được phát hiện sớm và điều trị bệnh kịp thời trước 10 tuổi, về lâu dài cột sống biến dạng nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của các cơ quan nội tạng khác, có thể bị suy hô hấp, liệt, tử vong," bác sĩ Sơn cho hay.
Cùng quan điểm, bác sĩ Calvin Q Trịnh nói đây là dị tật nguy hiểm do thường xuất hiện trong giai đoạn phát triển quan trọng của trẻ, trước tuổi dậy thì. Lúc này, một phía của đốt sống bị chèn ép và chịu lực không phát triển so với phía còn lại, dẫn đến biến dạng đốt sống, cột sống, lồng ngực, thậm chí thay đổi hình thể và dáng đi.
Trẻ bị cong vẹo cột sống nhưng không điều trị dễ dẫn đến diễn tiến nặng, tàn tật suốt đời, suy giảm thể chất, sinh tâm lý mặc cảm, tự ti, trầm cảm.
Để điều trị, bác sĩ áp dụng phương pháp trị liệu vật lý phục hồi chức năng. Bệnh nặng, đã biến dạng các đốt sống thì không thể hoàn trả lại hình dạng ban đầu. Lúc này, bác sĩ phẫu thuật hàn xương, làm dính các đốt sống lại với nhau bằng cách đặt dụng cụ nắn chỉnh để giữ cột sống thẳng và lành xương. Tuy nhiên, biến chứng của phẫu thuật chỉnh vẹo cột sống khá nặng nề, như chảy máu, nhiễm trùng, tổn thương tủy và rễ thần kinh dẫn đến liệt hạ chi, không lành xương - khớp giả.
Bác sĩ khuyến cáo áo nẹp không giúp điều trị khỏi vẹo cột sống mà chỉ phần nào ngăn ngừa tăng nặng. Áo này phải mặc cả ngày và đêm trong giai đoạn trẻ vẫn còn đang phát triển và vẹo mức độ nhẹ. Khi trẻ có dấu hiệu bất thường như không thể đứng thẳng, vai thấp vai cao, vùng lưng bị gồ lên khi cúi người, cần đưa đi viện để điều trị sớm, tránh hậu quả đáng tiếc.
Minh An - Như Ngọc
*Tên nhân vật được thay đổi