Ảnh: Corbis.com. |
Tuy bán vỉa hè nhưng hàng cơm của chị Kim Phượng, ở quận Tân Bình, TP HCM, rất đông khách. Vào những giờ cao điểm, lúc chị và hai cô cháu gái làm không ngơi tay thì anh Liêm, chồng chị, cứ ung dung chơi cờ tướng với cánh xe ôm gần đó.
Hình ảnh này làm nhiều người xung quanh thấy ngứa mắt. Có người tức quá nói với anh Liêm: "Vợ mày bán không kịp kìa, lại phụ với nó một tay", nhưng anh chẳng để tâm. Có khi, họ quay sang mắng chị: "Mày hiền quá, để chồng ngồi chơi, còn mình cày như trâu. Phải tao, thôi cho khỏe!". Những lúc như thế, chị Phượng vờ không nghe hoặc trả lời qua loa: "Đàn ông mà".
Thực ra, anh Liêm không đến nỗi là "kẻ vô tâm" như mọi người nói. Anh là người cha có trách nhiệm. Từ khi con học mẫu giáo, anh luôn đưa đón bọn trẻ đúng giờ, tối về dạy học và chơi với con. Nhiều lần mệt mỏi trước những lo toan cơm áo gạo tiền trong khi chồng quá thờ ơ, chị cũng buồn, muốn ly dị nhưng so đi tính lại, chưa chắc tìm được người nào yêu thương con mình hơn cha của chúng nên lại thôi. Đó chính là thứ "bùa" kết dính cuộc hôn nhân của chị và anh bấy lâu.
"Ưu bù khuyết"
Người ngoài cuộc không thể nhìn bề ngoài mà đánh giá người này hạnh phúc, người kia bất hạnh, bởi mỗi cá nhân có những quan điểm về hôn nhân khác nhau.
Có người coi hạnh phúc là vợ chồng cùng phải chia sẻ, bình đẳng, gánh vác, tôn trọng nhau nhưng cũng có người chỉ cần nhận được một ly nước, một lời nhắc nhở chạy xe cẩn thận từ bạn đời - dù điều đó chẳng thường xuyên. Thậm chí, nhiều người độc thân lớn tuổi, khi tìm được "nửa kia" chỉ cần nhìn vào một ưu điểm nào đó là có thể bỏ qua mọi khuyết điểm của chồng/vợ.
Chị Dịu, một tiểu thương ở quận11, TP HCM, là một trong những người như thế. Bạn bè từng khuyên ly hôn khi thấy chị lam lũ suốt ngày: Mua bán ở chợ, rồi về nhà chăm con, cơm nước cho chồng, trong khi anh đi làm bảo vệ một buổi, còn lại tham gia "hội" nuôi chim, cá cảnh, chẳng giúp vợ được gì. Khi chị cằn nhằn, trách móc còn bị anh sừng sộ đòi đánh. Nhưng chị khẳng định mình không bất hạnh.
"Khi tôi bệnh, anh rất lo lắng, nhất nhất đòi chở đi khám. Rồi anh tự mua thuốc, nấu cháo, bưng đến tận giường cho vợ. Đó là niềm hạnh phúc mà khi độc thân tôi không thể có được", chị tâm sự.
Đó là phương pháp lấy "ưu bù khuyết", cũng là bí quyết giữ gìn hạnh phúc của nhiều gia đình.
Theo chuyên viên tâm lý Nguyễn Thu Hiên, Trung tâm tư vấn tình yêu - hôn nhân - gia đình, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, mỗi người đều có ưu - khuyết điểm riêng và ở mức độ khác nhau. Đã là vợ chồng thì phải chấp nhận điểm chưa hoàn thiện và cùng giúp nhau điều chỉnh để xây dựng được hạnh phúc dài lâu. Để làm được điều này, trước tiên bạn phải tìm ra điểm tốt ở "nửa kia" rồi làm "phép cộng "ưu điểm và "phép trừ" khuyết điểm.
Có hai điểm tích cực từ giải pháp này. Thứ nhất, nhìn vào điểm tốt giúp tinh thần thoải mái, nhẹ nhàng. Thứ hai, lòng vị tha của bạn như nước mát sẽ biến những hạt mầm ưu điểm phát triển thành cây.
Đừng như "ông chủ" khó tính
Thêm một minh chứng cho điều này là trường hợp của một ca sĩ tên Nga. Chồng chị là kiến trúc sư, lịch lãm và đào hoa. Buổi trưa, anh thường không về nhà mà đi uống cà phê, ăn trưa hay vào vũ trường với người đẹp nào đó. Nhiều người biết và khuyên chị ly hôn vì cho rằng chị đẹp, hát hay, nổi tiếng, dại gì phải sống chung với người không chung thủy.
Có lúc cũng lung lay, nhưng cuối cùng chị quyết tâm giữ gia đình vì biết anh vẫn yêu vợ, thương con, đặc biệt không bao giờ bỏ nhà đi qua đêm. Biết điểm yếu của mình là nấu ăn dở, chị quyết kéo chồng về bằng "con đường bao tử". Tạm quên chuyện anh lăng nhăng, ngày nào chị cũng vào bếp tập nấu những món ngon chồng thích. Sau một tháng, đã có hiệu quả: Anh về nhà ăn trưa. Gần một năm sau, anh tuyên bố "dừng bước giang hồ".
Sáu năm nay, gia đình chị lại hạnh phúc như thời mới cưới. Tối nào anh cũng lái ôtô đưa chị đi hát, thỉnh thoảng còn vào bếp nấu cho vợ ăn. Bạn bè giờ đây không chỉ khen chị đẹp, hát hay mà còn giỏi giữ chồng.
Chính chị đúc kết kinh nghiệm: Đừng ngại dư luận đánh giá mình dại khờ, bị bùa mê... vì người ngoài chỉ có thể nhìn thấy hiện tượng. Người trong cuộc mới hiểu rõ bản chất sự việc, tính tình chồng/vợ mình thế nào. Với gia đình, đôi lúc bạn nên dễ tính, chấp nhận điểm chưa tốt của bạn đời rồi dần cải hóa, đừng vội đòi hỏi như một "ông chủ" khó tính là tất cả đều phải tốt, phải giỏi.
* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.
(Theo Phụ Nữ)