Đầu tháng 1, tàu Peregrine của công ty tư nhân Mỹ Astrobotic phóng tới Mặt Trăng nhưng gặp sự cố rò rỉ nhiên liệu và không thể hạ cánh xuống thiên thể này. Con tàu duy trì hoạt động ngoài không gian trong khoảng 10 ngày, sau đó rơi xuống khí quyển và cháy rụi hôm 19/1 (giờ Hà Nội).
Trong cuộc họp báo đầu tiên sau thất bại của nhiệm vụ Peregrine, CEO của Astrobotic, John Thornton, bày tỏ sự lạc quan về nhiệm vụ tiếp theo. "Tôi tự tin hơn bao giờ hết rằng con tàu sắp tới của chúng tôi sẽ thành công và đáp xuống bề mặt Mặt Trăng", ông nói.
Thornton cũng nêu bật những thách thức mà nhóm dự án vượt qua trong nhiệm vụ Peregrine và cả những gì đạt được. "Sau sự cố bất thường, chúng tôi vẫn giành được hết chiến thắng này đến chiến thắng khác, cho thấy tàu vũ trụ vẫn hoạt động trong không gian và các tải trọng vẫn có thể vận hành", ông nói. Tải trọng mà Thornton đề cập đến là các bộ thí nghiệm khoa học trên tàu, đặc biệt là từ NASA, đã thu thập được dữ liệu.
Nhiệm vụ tiếp theo của Astrobotic, dự kiến triển khai vào tháng 11, sẽ mang theo robot tự hành Viper do NASA phát triển đến cực nam của Mặt Trăng, nơi các phi hành gia Mỹ dự định thám hiểm trong những năm tới. Mục tiêu của Viper là tìm hiểu kỹ hơn về nguồn gốc và sự phân bố của nước - dưới dạng băng - và xác định xem có thể sử dụng tài nguyên này như thế nào trong các nhiệm vụ tương lai.
Viper sẽ được tàu đổ bộ Griffin của Astrobotic chở đến Mặt Trăng. Con tàu lớn gấp khoảng 3 lần so với Peregrine. "Viper rất tinh vi và đắt tiền. Do đó, chúng tôi muốn đảm bảo mình thực sự hiểu nguyên nhân gốc rễ và những yếu tố góp phần dẫn đến kết cục của Peregrine. Nếu cần sửa đổi kế hoạch cho Griffin thì chúng tôi sẽ làm như vậy", chuyên gia Joel Kearns tại NASA cho biết.
NASA đã trả cho Astrobotic khoảng 100 triệu USD theo chương trình Dịch vụ tải trọng Mặt Trăng thương mại (CLPS) để vận chuyển các thiết bị khoa học lên Mặt Trăng. NASA cũng đang nỗ lực làm việc để đưa phi hành gia Mỹ trở lại Mặt Trăng khoảng cuối thập kỷ này theo chương trình Artemis.
Thu Thảo (Theo AFP)