"Lý Lạp Tú, trạng nguyên trồng trọt, 313.590 tệ (44.115 USD)", người chủ trì lễ phát tiền thưởng của công ty Nông nghiệp Xanh ở huyện An Nghị, tỉnh Giang Tây, ngày 8/1 hô to giữa tiếng vỗ tay của hàng trăm nông dân.
Lý Lạp Tú và vợ, La Thu Hương, đều là nông dân làm việc cho ông La Kế Hà, chủ tịch công ty Nông nghiệp Xanh. Hai người nhận thầu hơn 600 mẫu đất trồng lúa.
"Ông Lý, cảm giác khi trở thành trạng nguyên như thế nào", một người hỏi. "Đương nhiên là vui rồi. Cảm ơn ông La đã dẫn dắt chúng tôi", Lý Lạp Tú nói.
Đây là năm thứ 13 liên tục La Kế Hà phát tiền thưởng cuối năm cho nông dân. Diện tích đất nông nghiệp mà ông La Kế Hà sử dụng trong hơn 10 năm qua tăng từ 4.000 mẫu lên hơn 60.000 mẫu. Tiền thưởng cuối năm cho nông dân cũng tăng từ hơn 500.000 tệ lên hàng triệu tệ, với tổng số tiền lũy kế là 54 triệu tệ (7,6 triệu USD).
"Tôi từng trải qua vô số khó khăn khi làm nông nghiệp ngày trước", ông La nói.
Ban đầu, ông thuê 11 nông dân quản lý ruộng với chính sách cào bằng, người làm nhiều hay làm ít đều nhận lương như nhau nên không có ai tích cực làm việc. Cuối cùng 800 mẫu ruộng thất thu nhưng ông vẫn trả tiền thưởng cho nông dân bởi tin rằng chỉ cần đi đúng hướng sẽ thành công.
Rút kinh nghiệm, ông La tìm biện pháp quản lý khác. Ông chia ruộng thành nhiều mảnh và giao cho đội sản xuất là các đôi vợ chồng quản lý, yêu cầu năng suất cơ bản trên mỗi mẫu và trả lương cơ bản 5.000 tệ (700 USD) mỗi tháng. Thưởng sẽ được trả vào cuối năm dựa trên sản lượng vượt kế hoạch.
Công ty liên tục cải tiến kỹ thuật, sử dụng các giống lúa mới cho năng suất cao, nâng cấp máy móc thiết bị, nâng cao tiêu chuẩn ruộng, đồng thời hợp tác với các cơ quan nghiên cứu, đưa nhân viên đi tập huấn kỹ thuật, bồi dưỡng thế hệ nông dân kiểu mới.
"Năm nay, tôi dự kiến tăng diện tích trồng trọt thêm 6.000 mẫu đất, dẫn dắt thêm nhiều nông dân cùng làm ruộng", ông nói.
Hiện công ty hợp tác với hơn 300 nông dân và hơn 100 người nữa có nguyện vọng gia nhập. Trong lễ phát thưởng, ngoài những nông dân kỳ cựu như Lý Lạp Tú, còn có nhiều gương mặt trẻ. Công ty có một đội sử dụng máy bay không người lái 44 thành viên, hơn một nửa tốt nghiệp đại học trở lên và sinh sau năm 2000. Vương Nghiệp Thịnh, một trong số này, được gọi là "trạng nguyên" điều khiển máy bay, nhận hơn 120.000 tệ tiền thưởng (16.900 USD).
"Chỉ cần hiểu công nghệ, biết cách vận hành, về quê làm ruộng cũng có tương lai", Vương nói.
Ngày trước, bố mẹ Vương phải cõng thùng thuốc bảo vệ thực vật vài chục cân, vất vả cả ngày để phun thuốc cho hai mẫu ruộng nhưng bây giờ, nhờ có máy bay không người lái, Vương có thể phun thuốc cho 350 mẫu một ngày.
Theo ông La Kế Hà, kiên định con đường hiện đại hóa nông nghiệp, không ngừng đổi mới sáng tạo cách quản lý, tích hợp các nguồn tài nguyên, nâng cao hiệu quả, sẽ đảm bảo được an ninh lương thực đồng thời hồi sinh nông thôn. Ông vẫn suy nghĩ về cách tối ưu hóa mô hình quản lý sản xuất, tìm cách hợp tác với những doanh nghiệp lớn, để cuối năm có thêm tiền thưởng trả nông dân.
Hồng Hạnh (Theo Xinhua)