Covid-19 đẩy nhiều người thu nhập thấp - vốn là khách hàng công ty tài chính - gặp khó trong việc trả nợ. Điều này kéo theo tỷ lệ nợ xấu của nhóm này gia tăng nhanh thời gian qua.
Tuy nhiên, đáng lo ngại nhất hiện nay, theo nhiều công ty tài chính, là làn sóng "bùng nợ" một cách có chủ đích từ phía khách hàng. Nhiều khách hàng không trả nợ, vin vào lý do cơ quan chức năng gần đây "triệt phá đường dây đòi nợ", khởi tố, bắt giữ nhiều đối tượng thu hồi nợ theo kiểu "cưỡng đoạt tài sản".
Khảo sát của VnExpress cho thấy, trên mạng xã hội hiện có những hội nhóm chia sẻ cách thức tránh trả tiền vay qua ứng dụng. Trong các cộng đồng có từ hàng chục nghìn đến hàng trăm nghìn thành viên, nhiều người khoe có "kinh nghiệm bùng nợ thành công". Họ hướng dẫn người vay khi đăng ký ứng dụng xoá hết số điện thoại trong danh bạ và thay vào đó số điện thoại lạ. Họ cũng chỉ cách người vay xoá lịch sử cuộc gọi với bạn bè, người thân và điền những thông tin "ảo" về email, địa chỉ và số điện thoại công ty nơi làm việc.
Tại một cuộc họp về vấn đề này do Hiệp hội Ngân hàng tổ chức cách đây vài ngày, ông Lê Quốc Ninh, Tổng giám đốc Công ty Tài chính MB Shinsei đồng thời là chủ nhiệm Câu lạc bộ Tài chính tiêu dùng, nêu thực tế các đơn vị cầm đồ hoạt động "núp bóng" khiến dư luận nhầm lẫn, đánh đồng với công ty tài chính tiêu dùng hợp pháp (được Ngân hàng Nhà nước cấp phép).
Điều này không chỉ gây ảnh hưởng tới hình ảnh các công ty tài chính tiêu dùng mà còn nảy sinh nguy cơ tiềm ẩn đến hành vi trả nợ của khách hàng, gây khó khăn cho công tác thu hồi nợ, ông Ninh nhận định.
Công tác thu hồi nợ tại Công ty Tài chính Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (FE Credit) - doanh nghiệp đứng đầu thị phần vay tiêu dùng - theo bà Hồ Thị Như Hà, Phó tổng giám đốc, đang rất khó khăn. Bà cho biết tệp khách vay có những đối tượng gồm kẻ chuyên gian lận và những người khó khăn tài chính quay sang rủ nhau "không trả nợ" doanh nghiệp. Nhiều khách hàng không bị xử phạt khi bùng nợ thành công cũng khiến những khách vay khác nung nấu ý định này.
Theo bà Hà, chế tài với khách hàng kiểu này chưa cao trong khi việc khởi kiện rất khó thực hiện với các khoản nợ giá trị thấp. Các hội nhóm bùng nợ hoạt động công khai và lộng hành càng khiến người vay hình thành tâm lý bùng nợ tập thể.
Tại Công ty Tài chính Bưu điện (PTF), tình trạng khách hàng không chấp hành nghĩa vụ trả nợ nợ cũng ngày một nhiều. Đại diện doanh nghiệp này cho biết, nhiều khách hàng đang suy nghĩ rằng "đi vay không trả nợ là quyền, còn đi đòi nợ là bất hợp pháp". Điều này đẩy doanh nghiệp vào tình thế phải dừng cho vay mới để bảo toàn vốn.
"Ba tháng qua, chúng tôi đã ngừng cho vay mới và chỉ tập trung vào nhóm khách hàng có điểm tín nhiệm tốt", đại diện PTF chia sẻ.
Đại diện công ty tài chính bày tỏ lo ngại khi ngân hàng chính thống không dám cho vay, nói không với đối tượng thu nhập thấp thì nạn tín dụng đen sẽ nhân cơ hội bùng lên.
Các công ty tài chính cho biết hiện nhân viên thu hồi nợ rất hoang mang, một số thậm chí tính chuyện bỏ nghề.
Theo Phó tổng giám đốc FE Credit, doanh nghiệp đã động viên rằng nhân viên không cần hoảng loạn khi làm đúng quy định. Tuy nhiên, nhiều nhân viên vẫn xin nghỉ việc vì bị ám ảnh trước sức ép dư luận về việc bắt bớ các nhóm đòi nợ kiểu khủng bố vừa qua.
Với việc hợp tác doanh nghiệp luật cung cấp dịch vụ pháp lý, ông Lê Quốc Ninh cho biết doanh nghiệp vẫn cần duy trì để có thể giảm lãi suất vay cho khách. Tuy nhiên, việc hợp tác này theo ông cần quá trình chuẩn hóa.
Phó tổng giám đốc FE Credit cho biết doanh nghiệp không chấp nhận hành vi đòi nợ bất hợp pháp. Tuy nhiên, cần có chế tài với người đi vay để có thói quen "vay văn minh, trả văn minh".
Làn sóng cố tình "bùng nợ" kéo dài mà không có chế tài xử phạt theo các công ty tài chính sẽ đẩy họ vào thế rất khó khăn, ảnh hưởng đến cơ hội tiếp cận tài chính đối với nhóm khách hàng dưới chuẩn, nhất là người lao động, công nhân ở các khu công nghiệp. Ông Lê Quốc Ninh nhận định cần có những giải pháp và hỗ trợ kịp thời từ cơ quan quản lý để hạn chế bớt các tác động tiêu cực từ các đợt kiểm tra, mở rộng điều tra tới đây.
Theo các công ty tài chính, việc cấm các đơn vị thu hồi nợ trong khi đó thật sự là nhu cầu cấp thiết của nhiều đơn vị, đã dẫn đến nh khó khăn chung trong việc thu hồi công nợ.
Các doanh nghiệp cũng kiến nghị có chế tài mạnh hơn với khách vay cố tình chây ì trả nợ. Bên cạnh đó, họ đề xuất cơ quan quản lý tại điều kiện để doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc thiết lập chi nhánh để sử dụng nhân sự địa phương giải quyết các vấn đề như nhắc và thu hồi nợ.
Công ty tài chính là tổ chức tín dụng phi ngân hàng được cấp phép cho vay, phát hành thẻ tín dụng, chịu trách nhiệm theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng. Khi cho vay, công ty lập hợp đồng vay tiêu dùng gồm các nội dung tối thiểu như về số tiền, thời hạn, lãi suất cho vay.
Trong khi đó, tín dụng đen là hình thức cho vay dân sự giữa các cá nhân, tổ chức không qua hệ thống tín dụng chính thức. Đặc trưng cơ bản nhất của tín dụng đen là mức lãi suất thoả thuận miệng lên tới 100-1.000% (cao hơn ít nhất từ 3 đến 5 lần so với mặt bằng lãi suất của các kênh tín dụng chính thống) và bị pháp luật nghiêm cấm
Quỳnh Trang