Công ty Tài chính Home Credit Việt Nam vừa báo cáo lãi sau thuế nửa đầu năm nay đạt 474 tỷ đồng, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Mức này vẫn kém hơn so với con số lợi nhuận 580 tỷ đồng của công ty thu về trong nửa đầu 2022.
Tuy nhiên trong bối cảnh khó khăn chung của lĩnh vực cho vay tiêu dùng, với kết quả này, Home Credit vẫn tạm dẫn đầu về lợi nhuận trong nhóm các công ty tài chính tiêu dùng tại Việt Nam. Doanh nghiệp này cũng thuộc nhóm số ít công ty tài chính có lãi trong nửa đầu năm nay.
Cuối tháng 2 năm nay, Tập đoàn Home Credit công bố thỏa thuận chuyển nhượng 100% vốn của Home Credit Việt Nam cho ngân hàng lớn thứ 4 của Thái Lan với trị giá khoảng 865 triệu USD. Quá trình chuyển giao này dự kiến hoàn tất trong nửa đầu năm sau.
Home Credit Việt Nam, thuộc sở hữu Tập đoàn đầu tư quốc tế PPF, bắt đầu hoạt động năm 2009. Đây là công ty tài chính cho vay tiêu dùng chiếm 14% thị phần, đứng thứ hai tại Việt Nam, sau FE Credit. Các dịch vụ thế mạnh của Home Credit là cho vay trả góp hàng tiêu dùng như xe máy, đồ gia dụng, điện tử, nội thất, cho vay tiền mặt và thẻ tín dụng.
Ngoài Home Credit, một công ty tài chính khác là Công ty tài chính điện lực (EVN Finance) cũng ghi nhận lãi sau thuế tăng gấp rưỡi cùng kỳ, đạt 250 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Công ty tài chính MB Shinsei (Mcredit) cũng thuộc diện có lãi trong nửa đầu năm, song kết quả kinh doanh vẫn tiếp đà giảm sâu so với cùng kỳ các năm trước. 6 tháng đầu năm, Mcredit lãi 43 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi hơn 328 tỷ, vốn chủ sở hữu cũng giảm từ mức 3.150 tỷ đồng xuống còn 3.038 tỷ đồng.
Đầu tháng 7, Ngân hàng Nhà nước ban hàng thông tư mới đơn giản hóa thủ tục với các khoản vay giá trị nhỏ dưới 100 triệu đồng, được giới trong ngành kỳ vọng sẽ giúp tạo động lực cho lĩnh vực cho vay tiêu dùng. Các công ty chứng khoán cũng dự báo lĩnh vực cho vay tài chính tiêu dùng, thẻ tín dụng và cho vay mua ôtô dự kiến có nhu cầu tín dụng cao hơn nhờ lãi suất cho vay thấp và doanh số bán lẻ phục hồi.
Quỳnh Trang