Chiều 9/5, TAND Hà Nội bắt đầu thẩm vấn 10 bị cáo trong vụ lừa đảo 300 tỷ đồng liên quan Công ty cổ phần chứng khoán SME.
Trả lời HĐXX về vụ lừa đảo đầu tiên gây thiệt hại 107 tỷ đồng tại Tổng Công ty cổ phần bảo hiểm dầu khí Việt Nam (PVI), Chủ tịch SME Phan Huy Chí mở đầu bằng việc phủ nhận cáo buộc của VKSND Tối cao. Bị cáo khai không đề ra chủ trương, bàn bạc hay chỉ đạo thuộc cấp, cũng không ký hợp đồng đầu tư chứng khoán với PVI.
Theo đó, SME cần vay tiền PVI nhưng PVI là công ty bảo hiểm, không có chức năng cho vay nên phải hợp thức bằng tạo dựng hai hợp đồng chứng khoán niêm yết. Toàn bộ thủ tục do trung gian môi giới là Công ty FIT thực hiện. SME chỉ làm theo tư vấn này. "Thực tế đây là giao dịch vay tiền dân sự, bị cáo không thấy mình sai", ông Chí khai.
"Nếu là giao dịch vay tiền thông thường, sao không ký hợp đồng vay mà che giấu bằng việc ký giả cách hai hợp đồng chứng khoán niêm yết?", chủ toạ Đặng Thị Thanh Huyền truy.
Ông Chí lần thứ ba nhắc lại "do PVI không có chức năng cho vay nên đôi bên mới phải làm vậy". Chủ toạ truy vấn: "Làm điều pháp luật không cho phép, vậy rõ ràng là gian dối, là vi phạm, có phải không?". Chủ tịch SME trình bày: "Nếu có gian dối thì là PVI chứ không phải bị cáo".
Chủ toạ nêu lại các cáo buộc với ông Chí trong vụ lừa đảo tại PVI, khởi đầu bằng việc cựu tổng giám đốc SME Phạm Minh Tuấn biết PVI có tiền đầu tư nên báo cáo. Ông Chí đồng ý, giao cho Tuấn chỉ đạo các bộ phận chuyên môn của SME tạo dựng hai hồ sơ giả của "một khách hàng cá nhân" và Công ty CP tư vấn Anh - thực chất là doanh nghiệp "sân sau" do Chí làm Chủ tịch HĐQT.
Cả hai khách hàng này đều không sở hữu các số dư mã chứng khoán nhưng ông Tuấn chỉ đạo hai thuộc cấp làm khống các mã chứng khoán của họ trên hệ thống quản lý chứng khoán của SME để PVI tin tưởng, ký hai hợp đồng đầu tư chứng khoán vào cùng một ngày, 21/4/2010. Theo đó, Tuấn (bên C) sẽ cùng đại diện PVI (bên A) và các "khách hàng" trên (bên B) ký Hợp đồng hợp tác đầu tư chứng khoán niêm yết trên cơ sở số dư chứng khoán tại tài khoản giao dịch của bên B. Bên A sẽ góp tiền và bên B sẽ góp bằng số dư các mã chứng khoán, đều là cổ phiếu phổ thông, không hạn chế chuyển nhượng. Thời hạn hợp đồng 2 năm, PVI hưởng lợi nhuận 13%. Công ty SME có nghĩa vụ cung cấp thông tin về bên B cho bên A và chịu trách nhiệm về tính trung thực của thông tin và các hoạt động liên quan đến số chứng khoán của bên B (phong toả, giải toả, bán, trích nguồn thu từ tiền bán chứng khoán hợp tác đầu tư vào tài khoản bên A...).
Ngay hôm sau, PVI giải ngân, chuyển hơn 107 tỷ đồng đến SME để thực hiện hai hợp đồng này. Cụ thể, PVI chuyển 49 tỷ đồng vào tài khoản chứng khoán của "khách hàng cá nhân" và hơn 58 tỷ đồng vào tài khoản chứng khoán của khách hàng doanh nghiệp, tức Công ty CP tư vấn Anh.
VKS cáo buộc, ông Chí và Tuấn sau đó tạo dựng các hợp đồng Hợp tác kinh doanh, uỷ thác vốn với cá nhân và doanh nghiệp trên để giải ngân tiền vào các tài khoản của mẹ, em gái và cháu họ, sau đó lấy để chi tiêu cá nhân. Trong đó, ông Tuấn sử dụng 49 tỷ đồng PVI chuyển cho khách hàng cá nhân, còn Chí sử dụng hơn 58 tỷ đồng PVI chuyển cho Công ty CP tư vấn Anh.
"Bị cáo nói đây là lần đầu làm ăn với PVI, cũng không có bàn bạc gì với Tuấn, tại sao bị cáo với Tuấn, mỗi người lại biết mà chiếm, sử dụng tiền của một khách hàng một cách gọn gàng, không trùng nhau như thế?", chủ toạ hỏi. Trả lời, bị cáo Chí nói "chắc hẳn là một sự tình cờ".
Kết quả điều tra xác định, toàn bộ hơn 7,4 triệu cổ phiếu do bị cáo Chí và Tuấn ký xác nhận, bổ sung của hai khách hàng trên gửi cho PVI, đều là "chứng khoán ảo".
Làm việc với "khách hàng cá nhân" trong vụ án, cơ quan công an xác định, người này chỉ là sinh viên đại học tại Hà Nội, bị mất chứng minh nhân dân. "Bản thân không có tiền đầu tư chứng khoán, cũng không có quan hệ gì với các bên tham gia ký hợp đồng", chữ ký trên các hợp đồng cũng không phải do người này ký, cơ quan công an xác định.
Tại cơ quan điều tra, bị cáo Chí thừa nhận các cáo buộc trên song sau đó thay đổi lời khai. Ở phiên xét xử ngày 9/5, cựu chủ tịch SME cho rằng việc tạo dựng khách hàng, khống mã chứng khoán... không nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của PVI mà có sự thống nhất của hai bên, hợp thức việc PVI cho SME vay tiền.
"Vì vậy, hai hợp đồng trên thực chất là giao dịch dân sự bị vô hiệu do giả tạo", ông Chí nêu quan điểm và cho hay trước phiên xét xử đã trả đủ tiền cho PVI, do đó "không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
HĐXX yêu cầu đại diện PVI đối chất về mốc thời gian và các khoản thanh toán SME đã trả cho PVI, song người này chưa chuẩn bị được các tài liệu cần thiết, xin HĐXX bổ sung vào ngày mai.
Trong vụ án, ngoài ông Chí và ông Tuấn bị truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo điều 139, Bộ luật Hình sự 1999, có 3 cựu cán bộ thuộc SME gồm Nguyễn Thành Nam, cựu giám đốc chi nhánh TP HCM và Nguyễn Huy Sơn, Nguyễn Phương Lan.
Bốn cựu lãnh đạo PVFI bị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, theo điều 285, Bộ luật Hình sự 1999, gồm: Chu Xuân Lai, cựu tổng Giám đốc; Lê Xuân Tân, cựu phó tổng giám đốc; Vũ Xuân Công, cựu phó Ban dịch vụ tài chính và Vũ Thị Hồng Lan, cựu trưởng ban dịch vụ tài chính.
Theo cáo trạng từ tháng 4/2010 đến tháng 3/2011, do cần tiền để sử dụng cá nhân và thanh toán các khoản nợ cũ, ông Chí và một số người đã sử dụng nhiều thủ đoạn gian dối như "tạo dựng khách hàng, xác nhận, phong tỏa khống số dư chứng khoán có tính thanh khoản cao trong tài khoản giao dịch chứng khoán" của các khách hàng để tạo niềm tin.
Hành vi này bị cáo buộc nhằm chiếm đoạt của PVI và Công ty Cổ phần đầu tư tài chính công đoàn dầu khí (PVIF), Ngân hàng thương mại cổ phần Habubank Hà Nội với tổng số tiền gần 300 tỷ đồng.
Hôm nay, phiên toà tiếp tục xét hỏi các bị cáo về 2 vụ lừa đảo còn lại, xảy ra tại Habubank và PVIF. Phiên toà dự kiến diễn ra 10 ngày.
Thanh Lam