Công ty hạt nhân Pháp Framatome hôm 14/6 cho biết nhà máy điện hạt nhân Taishan, ở tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc, do công ty này sở hữu một phần, đã ghi nhận "nồng độ khí hiếm trong mạch sơ cấp của lò phán ứng số một gia tăng".
Khí hiếm là các nguyên tố như argon, heli và neon, với khả năng tham gia phản ứng hóa học thấp. Tập đoàn năng lượng Pháp EDF, công ty mẹ của Framatome, sau đó cho biết sự hiện diện của các loại khí này trong hệ thống "đã được thông báo, nghiên cứu và cung cấp cho các bên chịu trách nhiệm vận hành lò phản ứng hạt nhân".
EDF nói thêm tập đoàn đã yêu cầu một cuộc họp bất thường của hội đồng quản trị nhà máy Taishan để "ban lãnh đạo trình bày tất cả các dữ liệu và các quyết định cần thiết".
CNN trước đó đưa tin chính phủ Mỹ đang đánh giá thông tin về sự cố rò rỉ tại nhà máy điện hạt nhân Taishan ở Quảng Đông, sau khi công ty Framatome cảnh báo với Bộ Năng lượng Mỹ về "mối đe dọa phóng xạ sắp xảy ra". Tuy nhiên, một quan chức tiết lộ sau nhiều cuộc thảo luận, chính quyền Tổng thống Joe Biden đánh giá tình hình ở Taishan vẫn "chưa tới mức khủng hoảng".
Nhà điều hành nhà máy điện hạt nhân Taishan, Tập đoàn năng lượng hạt nhân Trung Quốc (CGN), hôm 13/6 cũng ra tuyên bố khẳng định "các chỉ số môi trường của Taishan và môi trường xung quanh hoàn toàn bình thường".
CGN không đề cập tới rò rỉ hay sự cố nào tại Taishan, chỉ khẳng định nhà máy điện hạt nhân này đáp ứng "các yêu cầu về an toàn hạt nhân và các thông số kỹ thuật của nhà máy điện".
Taishan được khởi động vào năm 2018 và là nhà máy đầu tiên trên thế giới vận hành lò phản ứng hạt nhân EPR thế hệ tiếp theo. Lò phản ứng hạt nhân EPR được giới thiệu đầy hứa hẹn về tính an toàn và hiệu quả so với các lò phản ứng thông thường trong khi tạo ít chất thải hơn.
Theo Cơ quan Quản lý Năng lượng Quốc gia Trung Quốc, các nhà máy hạt nhân cung cấp khoảng 5% nhu cầu điện hàng năm của nước này hồi năm 2019, song tỷ lệ này dự kiến tăng lên vào năm 2060. Trung Quốc có 47 nhà máy điện hạt nhân với tổng công suất phát điện là 48,75 triệu kilowatt, cao thứ ba thế giới sau Mỹ và Pháp.
Ngọc Ánh (Theo AFP)