Máy bay không người lái "T-Frend" trong buổi giới thiệu ngày 7/12. Nguồn: YouTube.
Máy bay không người lái có tên "T-Frend" sẽ bay vòng vòng trên không trung và phát ra giai điệu "ò e" đặc trưng của xứ Scotland khiến các nhân viên cố nán lại làm thêm lúc tối muộn phải đứng lên ra về, BBC đưa tin.
"Anh không thể nào làm việc được khi biết rằng 'cái máy đó có thể tới chỗ mình bất cứ lúc nào' và sắp phải nghe bài hái 'Auld Lang Syne' cùng tiếng vo ve của chiếc máy bay", ông Norihiro Kato, giám đốc công ty Taisei chuyên cung cấp dịch vụ an ninh và dọn vệ sinh cho các tòa nhà văn phòng ở Tokyo, cho biết.
Truyền thông Nhật Bản đưa tin Taisei hợp tác với nhà sản xuất máy bay không người lái Blue Innovation và công ty viễn thông NTT East để chế tạo ra chiếc drone độc đáo này. Dự kiến Taisei sẽ thử nghiệm dịch vụ này vào tháng 4/2018 tại chính văn phòng của công ty, nếu thành công, sẽ chào hàng tới các công ty khác.
Tuy nhiên, giáo sư Seijiro Takeshita tại đại học Shizuoka cho rằng đây không phải là cách hiệu quả để giải quyết vấn đề nhức nhối "karoshi" hay "làm việc tới chết" ở Nhật Bản.
"Cách này khá ngớ ngẩn. Các công ty làm thế này chẳng qua chỉ để cho có", giáo sư Takeshita nói.
Còn giáo sư xã hội học Scott North tại đại học Osaka cho rằng kể cả dùng tới robot để can thiệp và buộc người lao động rời công sở đúng giờ nhưng họ vẫn có thể đối phó bằng cách mang việc về nhà làm.
"Để cắt giảm số giờ làm thêm, điều cần thiết là phải giảm khối lượng công việc", giáo sư North nhấn mạnh.
Theo luật, giờ làm việc ở Nhật Bản là 40 tiếng mỗi tuần. Nhưng đa số người lao động làm thêm giờ vì sợ bị cấp trên đánh giá là yếu kém. Bên cạnh đó, đa số người Nhật, sau khi tốt nghiệp đại học, sẽ xin vào làm việc cho một công ty với hy vọng gắn bó với doanh nghiệp đó đến ngày về hưu.
Quartz dẫn số liệu khảo sát của bộ lao động Nhật Bản cho thấy 1/4 các công ty nước này ghi nhận tình trạng nhân viên làm thêm 80 giờ mỗi tháng. Hồi tháng 10, Nhật Bản công khai vụ một nữ phóng viên của đài truyền hình NHK tử vong do làm việc quá sức. Cô Miwa Sado, phóng viên chính trị 31 tuổi, tham gia đưa tin bầu cử Hội đồng thủ đô Tokyo và bầu cử thượng viện Nhật Bản từ tháng 6 đến 7/2013. Sau khi làm thêm 159 giờ và chỉ nghỉ hai ngày trong vòng một tháng, cô Sado tử vong do suy tim.
Các nạn nhân chết do làm việc quá sức ở Nhật Bản thường bị trụy tim hoặc trầm cảm dẫn tới tự tử. Bộ Lao động Nhật Bản ước tính 189 người đã chết do làm việc quá sức vào năm 2015, trong đó 49% tự tử và 51% do đau tim, đột quỵ hoặc nguyên nhân khác. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng con số này phải lên tới hàng nghìn.
Ngoài ra, người Nhật thường xuyên không dùng hết ngày nghỉ phép theo quy định. Vào năm 2015, thống kê cho thấy trung bình một người lao động chỉ nghỉ phép 9 ngày một năm, tức là chưa tới một nửa tổng số ngày nghỉ.
An Hồng