Cuối tuần trước, chuỗi đồ ăn nhanh Popeyes Louisiana Kitchen khai trương cửa hàng tại Thượng Hải. Hàng trăm người đã xếp hàng bên ngoài, bỏ qua lời khuyên về giãn cách xã hội trong mùa dịch để chạm tay vào những chiếc sandwich gà từ thương hiệu Mỹ này. Popeyes dự định mở tới 1.500 cơ sở tại Trung Quốc.
"Người Trung Quốc vẫn thích hàng Mỹ lắm", Oliver Kong (18 tuổi) - một trong những người xếp hàng chờ bên ngoài cho biết, "Tôi thích McDonald’s, nhưng cũng muốn thử cái tên mới".
Những công ty như Popeyes, Walmart, Tesla hay Exxon Mobil đang đặt cược vào tiềm năng tăng trưởng dài hạn của đất nước này. Kỳ vọng này lấn át cả lo ngại về căng thẳng địa chính trị leo thang và tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại. Đại dịch khiến các công ty nghĩ lại về việc giảm phụ thuộc chuỗi cung ứng vào Trung Quốc. Tuy nhiên, các công ty vốn đang sản xuất Trung Quốc cho khách hàng nước này vẫn nỗ lực tăng hiện diện.
"Nếu bạn không hoạt động tại thị trường này, người Trung Quốc sẽ sang thị trường của bạn. Tốt hơn là nên cạnh tranh ở đây thay vì chờ đến khi họ xuất hiện trước cửa nhà bạn", Jörg Wuttke - Chủ tịch Phòng thương mại châu Âu tại Trung Quốc cho biết. Dù một số công ty sẽ ngừng rót tiền vào Trung Quốc cho đến khi triển vọng rõ ràng hơn, "chúng tôi vẫn phải lạc quan về việc đầu tư".
GDP Trung Quốc giảm 6,8% quý I - lần đầu tiên trong 4 thập kỷ - vì Covid-19. Các nhà kinh tế học cảnh báo đà phục hồi sẽ gặp nhiều thách thức, do tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt và niềm tin tiêu dùng đi xuống.
Rủi ro chính trị của việc hoạt động tại Trung Quốc vài năm gần đây cũng tăng cao, do cuộc chiến thương mại với Mỹ và gần đây nhất là tranh cãi trên toàn cầu về nguồn gốc và cách giải quyết đại dịch. Trên Fox News tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump còn dọa "cắt đứt quan hệ" với Bắc Kinh. Tờ Global Times của Trung Quốc thì cho biết nước này sẵn sàng nhắm vào các công ty Mỹ như Apple hay Boeing để trả đũa việc Mỹ kìm hãm hoạt động của Huawei Technologies.
Dù vậy, các doanh nghiệp đến nay vẫn chưa chịu tác động từ những xung đột chính trị này. Trung Quốc muốn thu hút nhà đầu tư ngoại, và vẫn tích cực lôi kéo công ty Mỹ trong đại dịch. Đầu năm nay, họ đưa ra luật đầu tư nước ngoài với các điều khoản bảo vệ thương hiệu và sở hữu trí tuệ, đồng thời cam kết tăng minh bạch chính sách.
"Chính phủ Trung Quốc khá nhiệt tình với các công ty phù hợp với chiến lược của họ và hỗ trợ các ngành công nghiệp trong tương lai", Ker Gibbs - Chủ tịch Phòng thương mại Mỹ tại Thượng Hải cho biết. Nhiều công ty nước ngoài ở Trung Quốc lo ngại điều này có thể thay đổi khi quan hệ Mỹ - Trung xấu đi. Tuy nhiên, nhìn chung, doanh nghiệp Mỹ vẫn muốn gắn bó với Trung Quốc.
Hôm 18/5, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chung Sơn cho biết trước báo giới rằng ông không lo ngại chuyện các công ty ngoại rời đi. "Những doanh nghiệp thông minh sẽ không từ bỏ thị trường Trung Quốc khổng lồ", ông nói.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Mỹ và Trung Quốc khá ổn định trong thập kỷ qua, đạt trung bình 14 tỷ USD một năm. Con số này chiếm 10-12% FDI vào Trung Quốc.
Theo Rhodium Group, một số khoản đầu tư chậm lại có thể do các công ty ngày càng bi quan về Trung Quốc. Một khảo sát hồi tháng 4 của Phòng thương mại Mỹ tại Trung Quốc cho biết 40% công ty nói rằng diễn biến đại dịch thiếu chắc chắn sẽ khiến họ giảm tốc đầu tư tại đây. Nhưng 36% khẳng định vẫn tiếp tục kế hoạch.
Chuỗi cà phê Tim Hortons (thuộc Restaurant Brands International) tuần trước cho biết sẽ mở 1.500 cửa hàng tại Trung Quốc. Hiện tại họ mới có vài chục cơ sở. "Trung Quốc là thị trường tăng trưởng nhanh nhất của chúng tôi", Sami Siddiqui - Giám đốc RBI châu Á - Thái Bình Dương cho biết.
Các hãng bán lẻ cũng nhận thấy cơ hội tương tự tại Trung Quốc, khi nhu cầu của tầng lớp trung lưu tăng cao. Walmart tháng trước cho biết có kế hoạch tăng gấp đôi hiện diện tại Trung Quốc, khi mở 500 cửa hàng mới tại đây trong 5 - 7 năm. Dự định này không thay đổi so với những gì công bố năm ngoái. Costco Wholesale đã mở siêu thị tại Thượng Hải năm ngoái và dự kiến mở thêm ít nhất 2 cơ sở mới.
Hãng xe điện Tesla cũng đang tăng tốc mở rộng nhà máy ở Thượng Hải, để chuẩn bị cho việc sản xuất Model Y tại đây. Chính phủ Trung Quốc cũng hỗ trợ Tesla khá nhiều. Hãng xe này gần đây đạt thỏa thuận về khoản vay 653 triệu USD từ Ngân hàng Công Thương Trung Quốc. Năm ngoái, họ đã vay gần 500 triệu USD từ các nhà băng nước này.
Các hãng hóa chất cũng không bỏ qua cơ hội sau khi Trung Quốc gần đây thay đổi luật, cho phép người nước ngoài sở hữu 100% các nhà máy. Exxon Mobil đang xúc tiến đàm phán với giới chức Huệ Châu để xây một nhà máy tại đây. Và dù đại dịch ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhu cầu giải trí, du lịch của người Trung Quốc, người phát ngôn Universal Parks & Resorts cho biết họ vẫn giữ nguyên kế hoạch mở một công viên mô phỏng 6,5 tỷ USD tại Bắc Kinh năm tới.
Hà Thu (theo WSJ)