Nhân viên một công ty công nghệ Thụy Điển được cấy chip ở tay năm 2015. Video: ODN.
Trên 50 trong tổng số 80 nhân viên của công ty công nghệ Three Square Market ở thành phố River Falls, bang Wisconsin, Mỹ đồng ý để công ty cấy chip vào tay để ra vào văn phòng, đăng nhập máy tính và mua đồ ăn vặt, ABC News ngày 24/7 đưa tin.
Microchip có kích thước bằng hạt gạo, sử dụng công nghệ nhận diện bằng tần số vô tuyến (RFID) được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ cho phép sử dụng từ năm 2004. Todd Westby, CEO của Three Square Market, cho hay việc cấy chip không bắt buộc. Chi phí 300 USD cho mỗi con chip được công ty trả.
Chip được cấy vào giữa ngón cái và ngón trỏ, không yêu cầu mật khẩu và không được dùng để công ty theo dõi nhân viên vì nó không có hệ thống định vị GPS. "Chip được mã hóa chỉ như thẻ tín dụng và gần như không thể bị đột nhập vì không được kết nối Internet", Westby nói.
BioHax International, công ty công nghệ Thụy Điển được cấp phép, sẽ thực hiện thủ thuật gắn chip vào ngày 1/8. Westby cho biết vợ và các con ông cũng sẽ được gắn chip.
Theo Westby, nhân viên công ty vừa lưỡng lự và hào hứng trong lần đầu nghe về ý tưởng, nhưng phần lớn các giám đốc đồng tình sau khi tìm hiểu và trao đổi thêm. Nếu đổi ý, nhân viên có thể yêu cầu gỡ chip dễ dàng.
Jowan Osterlund, người điều hành BioHax, cho rằng việc cấy chip là chuyện bình thường. "Tôi chắc chắn đây sẽ là một cách tự nhiên để đưa thêm một khía cạnh khác vào cuộc sống thường nhật của chúng ta", Osterlund nói.
Ý tưởng này dù vậy vẫn vấp phải ý kiến trái chiều do lo ngại vấn đề bảo mật và quyền riêng tư. "Giống loài chúng ta đã sống sót hàng nghìn năm không cần microchip, liệu có nhu cầu đặc biệt nào khiến chúng ta phải gắn chip lúc này không", Adam Levin, nhà sáng lập của công ty CyberScout cung cấp giải pháp bảo vệ nhận diện, nói.
Vũ Phong