Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến 25/7, tín dụng đối với nền kinh tế chỉ tăng 0,57% so với cuối năm 2011 - một mức tăng rất thấp trong nhiều năm trở lại đây. Nguyên nhân khiến tín dụng những tháng đầu năm tăng chậm cũng đã được phân tích nhiều. Trong đó nổi lên 2 nguyên nhân cơ bản, đó là khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu và nợ xấu trong hệ thống ngân hàng tăng cao. Nợ xấu trong hệ thống ngân hàng được ví như “cục máu đông” gây nghẽn dòng tín dụng chảy vào nền kinh tế và góp phần đẩy lãi suất cho vay tăng cao.
TS. Lê Xuân Nghĩa – Chuyên gia tài chính cho rằng, ngân hàng cần nhanh chóng “đánh tan” “cục máu đông” nợ xấu này, nếu không tín dụng sẽ bị đóng băng, nền kinh tế có thể rơi vào khủng hoảng. Muốn vậy, Chính phủ cần nhanh chóng vào cuộc bởi nếu để các ngân hàng thương mại tự xử lý, phải mất đến 5-7 năm mới xử lý hết số nợ xấu hiện nay. Trong thời gian này, các nhà băng sẽ có xu hướng hạn chế tín dụng do lo ngại rủi ro và nếu có cho vay thì cũng với lãi suất rất cao. Điều đó sẽ bất lợi cho nền kinh tế.
![]() |
Các chuyên gia cho rằng, lượng vốn cần cho AMC quốc gia là khoảng 10.000 tỷ đồng. Ảnh: Hoàng Hà |
Cũng theo ông Nghĩa, hiện trên thế giới có 3 cách để Chính phủ vào cuộc xử lý nợ xấu. Một là, bơm tiền trực tiếp cho các ngân hàng để các ngân hàng cho vay nền kinh tế. Hai là thành lập công ty mua bán nợ (AMC) quốc gia. Ba là quốc hữu hóa các ngân hàng có nợ xấu lớn. Tuy nhiên, xét trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, chỉ có cách thứ hai xem ra là ổn hơn cả.
Khi đề cập đến vấn đề này, nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn là AMC cần một lượng vốn bao nhiêu? Các chuyên gia cho rằng, lượng vốn cần cho AMC quốc gia là không lớn.
Thử làm một phép tính, theo công bố của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hiện nợ xấu của hệ thống ngân hàng vào khoảng 200.000 tỷ đồng. Giả sử trong số đó có 50% là nợ nhóm 4, nhóm 5 cần xử lý, tức vào khoảng 100.000 tỷ đồng.
Hiện theo báo cáo của các ngân hàng thương mại, dự phòng rủi ro cho các khoản nợ xấu này vào khoảng 60.000-70.000 tỷ đồng. Giả sử các ngân hàng có thể sử dụng 50% số đó để xử lý, thì số nợ xấu cần xử lý chỉ vào khoảng 60.000-70.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đó chỉ là giá trị hiện tại của các khoản nợ xấu. Lẽ đương nhiên AMC không bao giờ mua lại các khoản nợ này với 100% giá trị.
Theo kinh nghiệm quốc tế, với nợ nhóm 5 có thể chỉ bán được khoảng 10-20% giá trị; nợ nhóm 4 có thể cao hơn, song tối đa cũng chỉ khoảng 50%. Như vậy, lượng tiền cần phải bỏ ra để xử lý khối nợ xấu này chỉ vào khoảng 20.000-30.000 tỷ đồng. Song AMC sẽ không mua vào toàn bộ khối nợ xấu này ngay một lúc mà sẽ thực hiện theo hình thức quay vòng, cuốn chiếu. Điều đó có nghĩa, lượng vốn cần cho AMC quốc gia hoạt động cũng chỉ vào khoảng 10.000 tỷ đồng.
TS. Võ Trí Thành - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng nợ xấu phát sinh do lỗi từ cả 3 phía: ngân hàng, doanh nghiệp và cả phía Nhà nước. Bởi vậy lẽ đương nhiên, để xử lý khối nợ xấu này đòi hỏi cả 3 phía đều phải có trách nhiệm. Theo đó, nguồn vốn cho AMC quốc gia một phần từ đóng góp của các ngân hàng thương mại, một phần Nhà nước phải bỏ tiền ra cũng là điều dễ hiểu.
Thiết nghĩ, vấn đề ở đây cần phải cân nhắc. Nhật Bản đã từng phải trả một cái giá rất đắt khi 16 năm liên tục không tăng trưởng cũng chỉ vì chậm trễ trong việc xử lý nợ xấu.
(Thời báo Ngân hàng)