"Quần áo là vật dụng thiết yếu của cuộc sống. Người dân Nga có quyền được sống giống như chúng ta", ông Tatashi Yanai, Chủ tịch kiêm CEO Fast Retailing cho biết.
Thông tin này được Nikkei dẫn lại từ các chia sẻ qua email của ông Yanai. Không đồng tình với chiến tranh và kêu gọi các quốc gia cùng phản đối, nhưng ông chủ Uniqlo tuyên bố, toàn bộ 50 của hàng vẫn tiếp tục hoạt động tại Nga.
Tuyên bố của ông đi ngược lại với một loạt thương hiệu lớn nhất thế giới: rời đi hoặc tạm ngừng kinh doanh tại Nga. Ông Yanai cũng là một trong những doanh nhân công khai đặt câu hỏi về xu hướng gây áp lực buộc các công ty phải đưa ra lựa chọn chính trị.
Các lệnh trừng phạt lên Nga sau khi nước này tấn công vào Ukraine đã thúc đẩy làn sóng di cư của các công ty toàn cầu. Đối thủ hàng đầu của Fast Retailing là Inditex SA đã tạm đóng cửa 502 điểm bán, đồng thời dừng bán hàng trực tuyến. Apple và Nike cũng đóng cửa các cửa hàng trong khi các nhà sản xuất ôtô như BMW, General Motor tạm ngừng sản xuất và xuất khẩu sang nước này.
Giống như Mỹ và phần lớn các nước châu Âu, Chính phủ Nhật Bản đã áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt Nga, như đóng băng tài sản của một số quan chức, tài phiệt cũng như các tổ chức tài chính bao gồm Ngân hàng trung ương.
Các công ty Nhật Bản hiện chia tách thành hai nhóm. Các nhà sản xuất ôtô lớn nhất của nước này là Toyota và Honda đang ngừng xuất khẩu xe sang Nga, trong khi nhiều thông tin vận động hành lang cảnh báo các đại gia như Mitsubishi, Mitsui & Co. không nên vội vã rời khỏi một dự án dầu khí của nước này. Japan Tobacco, công ty sản xuất thuốc lá có 37% thị phần tại thị trường Nga, tuyên bố vẫn hoạt động và cho biết "hoàn toàn cam kết" tuân thủ các lệnh trừng phạt của Nhật Bản và quốc tế.
Đức Minh (theo Bloomberg)