Các công tố viên chuyên về tội phạm có tổ chức "tiến hành khám xét một cơ sở lưu trữ thuộc công ty Mossack Fonseca", tờ La Prensa đưa tin, đăng cùng hình ảnh những tài liệu đang được chuyển lên một phương tiện.
Sau đợt khám xét, Mossack Fonseca thông báo công ty "sẵn sàng hợp tác với quá trình điều tra đang diễn ra" và tài liệu trong khu lưu trữ là "thông tin" mà công tố viên đã có trong đợt khám xét trước đó. Công ty nhấn mạnh các tài liệu trên đã bị cắt vụn và chờ được tái chế.
Đây là lần khám xét thứ hai nhằm vào Mossack Fonseca. Ngày 12/4, cảnh sát đột kích trụ sở Mossack Fonseca ở thủ đô Panama City và tiến hành khám xét trong suốt 27 giờ. Nhà chức trách sau đó cho biết họ không phát hiện được bằng chứng nào để củng cố các cáo buộc và công ty luật này lưu trữ hồ sơ trên hơn 100 máy chủ đặt tại nhiều địa điểm khác nhau.
Mossack Fonseca ngày 3/4 bị rò rỉ khoảng 11,5 triệu tài liệu, gọi là Hồ sơ Panama, hé lộ mạng lưới công ty "ma" khổng lồ trên thế giới, nghi giúp người giàu né thuế hoặc rửa tiền.
Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson, Bộ trưởng công nghiệp Tây Ban Nha Jose Manuel Soria đã phải từ chức sau khi tên hai ông xuất hiện trong Hồ sơ Panama. Thủ tướng Anh David Cameron phải công khai hồ sơ thuế. Nhiều người giàu ở Australia, Pháp, Ấn Độ, Mexico, Peru, Tây Ban Nha và các quốc gia khác cũng bị điều tra do nghi ngờ trốn thuế.
Mossack Fonseca nhấn mạnh họ không làm gì phi pháp, khẳng định các máy chủ bị tấn công từ nước ngoài và công ty là nạn nhân của tin tặc. Panama cam kết sẽ áp dụng tiêu chuẩn thế giới về chia sẻ thông tin thuế, động thái có thể ảnh hưởng đến hoạt động làm ăn của Mossack Fonseca.
Như Tâm