Chính điều này đã khiến tình trạng bi bét về tài chính tại nhiều doanh nghiệp được giấu kỹ, cho đến khi có nhân tố mới xuất hiện. Khi sự thật được làm rõ, không ít kiểm toán viên đang nơm nớp lo sợ về nguy cơ phải trả giá cho các ý kiến kiểm toán quá dễ dãi của mình trước đó.
Hiếm có khi nào trên thị trường chứng khoán xuất hiện một cuộc đối chất có sự tham gia của cả Ban lãnh đạo doanh nghiệp (X), công ty kiểm toán thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính của X năm 2011 và công ty kiểm toán thực hiện báo cáo soát xét 6 tháng đầu năm của X với cơ quan quản lý thị trường chứng khoán. Tại đây, tổng giám đốc của một trong hai công ty kiểm toán đã phải “khóc như mưa” (lời người trong cuộc) khi giải trình về những lý do vì sao những điểm đen thực trạng tài chính của X đã không được phơi bày trong báo cáo tài chính có kiểm toán năm 2011.
X là một công ty có quy mô tài chính lớn. Thông điệp xuyên suốt được Ban lãnh đạo X đưa ra trong các lần tiếp xúc với khách hàng, nhà đầu tư là kinh doanh minh bạch, hiệu quả. Thế nhưng, từ cuối năm 2010, thị trường đã có những đồn đoán liên quan đến nguy cơ thâm hụt tài chính, thất thoát hàng trăm, thậm chí cả nghìn tỷ đồng của X. Tuy nhiên, báo cáo tài chính được kiểm toán của X năm 2010 vẫn cho kết quả kinh doanh có lãi, được kiểm toán chấp nhận toàn bộ. Kết quả này đã phủ nhận những nghi ngờ của dư luận xuất hiện từ trước đó.
Năm 2011, tình hình thị trường khó khăn hơn, X bắt đầu ghi nhận các khoản lỗ. Tuy nhiên, khoản lỗ được hạch toán vào kết quả kinh doanh cuối năm so với tổng quy mô vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu của X lại không thấm vào đâu. X vẫn là một đơn vị hoạt động lành mạnh (về danh nghĩa), dù những nghi vấn về khả năng thua lỗ lớn tiếp tục được thị trường đồn đoán ngày một nhiều.
Năm nay, X có những biến động lớn trong đội ngũ ban lãnh đạo và cả cổ đông. Công ty bất ngờ ghi nhận khoản lỗ khổng lồ, khiến cả thị trường phải ngỡ ngàng. Theo giải thích của ban lãnh đạo mới, chấp nhận thực tế tài chính bi bét và xây dựng kế hoạch cải tổ toàn diện là điều mà họ buộc phải làm để tồn tại. Và thuê một công ty kiểm toán mới để kiểm toán lại toàn bộ thực trạng sức khỏe tài chính, giám sát nguồn tiền… là một phần trong kế hoạch đó.
Cũng từ đây, hai vấn đề đã được nhóm nhà đầu tư mới đặt ra. Đó là có hay không tình trạng ban lãnh đạo cũ của X cố tình giấu lỗ và trách nhiệm của kiểm toán đến đâu trong sự việc này? Theo lời một người trong cuộc, trước những lập luận của phía công ty kiểm toán mới, vị tổng giám đốc công ty kiểm toán cũ đã rất lúng túng trong việc chứng minh sự vô can của mình trước các khoản lỗ bị chôn giấu năm 2011 tại X.
Chưa biết câu chuyện trên sẽ đi đến đâu, trách nhiệm của công ty kiểm toán khi sự việc bị lôi ra ánh sáng sẽ như thế nào, nhưng nỗi lo và những giọt nước mắt của vị tổng giám đốc công ty kiểm toán nói trên có thể sẽ là tiếng chuông cảnh tỉnh cho tình trạng công ty kiểm toán cố tình bỏ qua tình trạng thiếu minh bạch tài chính của doanh nghiệp.
Môi trường kinh doanh ngày một khó khăn, áp lực minh bạch ngày một lớn. Những khối u nợ nần, lỗ vốn của các doanh nghiệp sớm hay muộn cũng sẽ bị phơi bày. Đi kèm với quá trình này, việc truy vấn lại trách nhiệm của kiểm toán viên trong quá khứ từng xác nhận doanh nghiệp hoạt động lành mạnh đã và sẽ được cơ quan quản lý thực hiện. Tại cuộc làm việc với các công ty kiểm toán đầu năm, lãnh đạo Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã thẳng thắn tuyên bố: “Nếu các kiểm toán viên/công ty kiểm toán cố tình bao che cho các doanh nghiệp trong việc giấu lỗ, giấu nợ xấu…, thì khi xảy ra sự cố, chúng tôi sẽ truy xuất đến cùng trách nhiệm của kiểm toán. Đừng vì một chút lợi trước mắt mà phải trả giá đắt sau này”.
Theo Đầu tư chứng khoán