Công ty Hà Lan Hardt Hyperloop đang phát triển công nghệ giao thông siêu nhanh bao gồm khoang tàu lơ lửng trên đệm từ và sử dụng lực đẩy điện để chạy về phía trước ở tốc độ hơn gần 1.000 km/h qua ống thép chân không một phần. Hardt Hyperloop cho biết nghiên cứu mới do công ty tiến hành ở tỉnh Bắc Holland cho thấy dự án khả thi về mặt kinh tế và có thể vận hành vào đầu năm 2028.
Nghiên cứu của Hardt Hyperloop xem xét khu vực siêu đô thị Amsterdam sẽ chịu ảnh hưởng như thế nào nếu đường tàu siêu tốc được lắp đặt nối thành phố với các điểm đến khác ở Hà Lan và xa hơn trong phạm vi châu Âu. Kết quả nghiên cứu cho thấy đường tàu siêu tốc có thể chở 200.000 hành khách mỗi giờ ở mỗi hướng và rút ngắn một nửa thời gian đi lại thông thường bằng tàu hỏa giữa Amsterdam và Paris. Hành khách có thể đi từ Amsterdam đến Dusseldorf trong chưa đầy 30 phút và Brussels dưới 1 giờ theo 5 tuyến.
"Chúng tôi biết người dân sẵn sàng đi tối đa một giờ để tới chỗ làm. Với đường tàu siêu tốc, bạn có thể đi quãng đường lớn hơn trong thời gian đó. Kết quả nghiên cứu rất hứa hẹn. Đó là lý do chúng tôi sẽ thảo luận với các cơ quan chức năng để xúc tiến dự án", Jeroen Olthof, cán bộ ở tỉnh Bắc Holland, cho biết.
Năm 2017, Hardt Hyperloop thành lập trung tâm thử nghiệm để kiểm tra công nghệ tàu siêu tốc, bao gồm đường ống 30 m và khoang tàu bên trong. Ý tưởng tàu siêu tốc được tỷ phú Mỹ Elon Musk giới thiệu năm 2013. Musk dự đoán với công nghệ này, hành khách có thể đi quãng đường 610 km từ Los Angeles tới San Francisco, Mỹ trong 30 phút, bằng một nửa thời gian đi máy bay. Hardt Hyperloop phát triển từ đội thí sinh của Đại học Kỹ thuật Delft (TU Delft), những người đánh bại đội của Viện Công nghệ Massachusetts và Đại học Kỹ thuật Munich để giành chiến thắng trong cuộc thi thiết kế đường tàu siêu tốc do công ty SpaceX của Musk tổ chức.
An Khang (Theo Lonely Planet)