Cơ quan chức năng phát hiện Zuoyebang viết trên website đang hợp tác với Liên Hợp Quốc và thổi phồng kinh nghiệm giảng dạy của giáo viên, giả mạo đánh giá của người học. Trong khi đó, Yuanfudao khẳng định cung cấp dịch vụ kèm 1-1 với những giáo viên hàng đầu và cũng lừa dối người học về kinh nghiệm của gia sư. Zuoyebang và Yuanfudao còn mập mờ về giá các khóa học trực tuyến.
Trong một bài đăng trên Weibo vào đầu tuần, Zuoyebang cho biết công ty chấp nhận hình phạt và đính chính thông tin quảng cáo, giá cả không chính xác. Chia sẻ trên Weibo, Yuanfudao cho hay đã thay đổi thông tin lừa dối khách hàng.
Hình phạt mạnh tay trên là một phần nỗ lực của chính phủ Trung Quốc trong việc kiểm soát sự bành trướng của các cơ sở dạy thêm, nhằm giảm gánh nặng học hành cho học sinh.
Nền công nghiệp gia sư trực tuyến của Trung Quốc tăng trưởng nhanh chóng vào năm ngoái khi Covid-19 bùng phát, đạt 257 tỷ nhân dân tệ (gần 40 tỷ USD), theo báo cáo của iResearch, công ty nghiên cứu thị trường ở Thượng Hải. Báo cáo ước tính ngành công nghiệp này sẽ đạt 490 tỷ nhân dân tệ (gần 76 tỷ USD) năm 2024.
Hồi tháng 4, 4 công ty giáo dục trực tuyến, gồm GSX Techedu, Xueersi Online School, Koolearn và Gaosi, bị lực lượng chức năng thành phố Bắc Kinh phạt 500.000 nhân dân tệ vì quảng cáo sai sự thật. 4 đơn vị bị phạt mức tối đa vì dán nhãn các khóa học trực tuyến với mức giá lừa dối khách.
Đầu tháng 5, lực lượng chức năng thành phố Trùng Khánh công khai danh sách 18 công ty gia sư có hành vi vi phạm quy định của chính phủ về dạy thêm, gồm: Dạy học sinh quá nhiều tài liệu nâng cao, quảng cáo sai sự thật và thuê giáo viên không có chứng chỉ sư phạm.
Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm kiểm soát cơ sở dạy thêm như: Cấm các trường tiểu học và trung học đưa chứng chỉ sinh hoạt ngoại khóa để xem xét xét tuyển; cấm các công ty gia sư dùng nhiều phương pháp giảng dạy định hướng thi cử và sử dụng tài liệu nâng cao ngoài chương trình sách giáo khoa hoặc thuê giáo viên từ trường công.
Bộ Giáo dục tháng trước cũng yêu cầu nhiều công ty gia sư không giao bất cứ bài tập về nhà nào cho học sinh, đồng thời kết thúc việc dạy học trước 20h30.
Chu Zhaohui, nhà nghiên cứu cao cấp của Viện Khoa học Giáo dục Quốc gia, cho hay học sinh vẫn bị thúc đẩy phải tham dự các khóa gia sư do được đánh giá chủ yếu qua thành tích học tập. Vì thế, vấn đề quan trọng là cần tăng cường chất lượng giáo dục trường học.
Bình Minh (Theo China Daily