Hybe cho biết doanh thu hợp nhất năm 2021 đạt 1.260 tỷ won (gần 840 triệu USD), tăng 58% so với năm trước. Lợi nhuận hoạt động tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái lên hơn 190 tỷ won và lợi nhuận ròng tăng tới 62% lên 141 tỷ won.
Doanh thu vượt 1.000 tỷ won là cột mốc quan trọng đối với Hybe và cũng là lần đầu tiên ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc ghi nhận. Thành tích trên đến từ sự thành công của nhóm nhạc BTS và nhiều nghệ sĩ khác sau khi Hybe thâu tóm công ty Ithaca Holdings. Dòng tiền chủ yếu đến từ sự tăng trưởng về doanh số bán album, buổi hòa nhạc (concert) và phát hành nội dung.
Trong đó, doanh số bán album đã tăng 18% so với năm trước lên 378,5 tỷ won vào năm 2021. Dẫn đầu công ty vẫn là nhóm nhạc BTS khi đã bán được 7,4 triệu album. Các nhóm nhạc Seventeen, Tomorrow X Together và Enhypen cũng đều giúp công ty tẩu tán hàng triệu album trong năm. Bên cạnh đó, thâu tóm Ithaca Holdings giúp Hybe ghi nhận thêm nguồn thu mới khi các ngôi sao đình đám như Ariana Grande và Justin Bieber đã bán được 2,4 triệu và 2,35 triệu bản. Hai nghệ sĩ này đang thuê Ithaca Holdings làm công ty quản lý.
Tăng trưởng mạnh nhất là mảng concert khi đem về doanh số tăng gần 10 lần lên 49,7 tỷ won. Trong đó, riêng quý cuối năm gom về hơn 45 tỷ won nhờ vào buổi biểu diễn trực tiếp đầu tiên của BTS sau hai năm tại Los Angeles (Mỹ), thu hút nhiều hơn 210.000 người hâm mộ. Mảng concert còn thu về số tiền lớn khi công ty này còn triển khai trên nền tảng YouTube Theater và các nền tảng trực tuyến khác.
Trong cuộc họp thường niên, ban lãnh đạo Hybe cho biết, kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt phải kể đến chiến lược đa dạng hóa trong cách thần tượng tiếp cận người hâm mộ. Công ty đã thực hiện các buổi biểu diễn kết hợp offline và online.
Thời gian tới, Hybe có kế hoạch thực hiện đa dạng hóa cơ cấu doanh thu trong các lĩnh vực kinh doanh mới như trò chơi. CEO Park Ji Won cho biết, công ty đã chuẩn bị gia nhập vào lĩnh vực game từ ba năm trước. Ngoài ra trong năm nay, Hybe cũng có kế hoạch thúc đẩy kinh doanh trong lĩnh vực NFT và ra mắt phiên bản mới của ứng dụng tương tác giữa thần tượng và người hâm mộ.
Sau thành công của nhóm nhạc BTS, Hybe từ công ty nhỏ trở thành một doanh nghiệp giải trí lớn tại Hàn Quốc, xếp cạnh "Big 3" gồm SM, YG và JYP. Các thần tượng đến từ 4 công ty giải trí kể trên chiếm hơn 60% tổng doanh thu vào năm 2021.
Tuy nhiên, Hybe đang đứng trước áp lực "hậu BTS" khi nhóm nhạc này gần như là nguồn thu chính của công ty. Các thần tượng ra mắt về sau chưa đạt thành công như những gì đàn anh đã thực hiện. Điều này có thể khiến Hybe gặp khó để phát triển bền vững.
Nhiều năm qua, âm nhạc Hàn Quốc (K-pop) cùng với làn sóng văn hóa xứ kim chi trở thành "món hàng" xuất khẩu hấp dẫn của nước này. Theo Gaon Chart của Hiệp hội Nội dung Âm nhạc Hàn Quốc, doanh số của 400 album K-pop phổ biến nhất trên toàn thế giới đã ghi nhận một bước nhảy vọt chỉ trong thời gian ngắn. Năm 2015, khoảng 8,4 triệu album K-pop được bán ra. Đến năm 2019, con số trên tăng gần gấp 3 lần, lên 24,6 triệu bản. Tính đến tháng 11 năm ngoái, hơn 54,6 triệu đĩa nhạc đã được bán, tăng gần hai lần so với năm 2019. Trong đó, 60% doanh số bán đĩa là từ thị trường nước ngoài.
Tiểu Gu (theo Yohap News, Korea Times)