Hơn chục người cơ bắp, quần thụng, áo thun bó sát lộ hình xăm vằn vện, tập trung trước công ty trên đường Nguyễn Trãi, quận 1 (TP HCM), một ngày giữa tháng 3. Trong đó, một số người đi ôtô dán logo công ty thu hồi nợ có trụ sở ở huyện Bình Chánh, những người còn lại đi xe máy. Họ nói khá to, đề nghị chủ doanh nghiệp ở đây trả số tiền hơn 3 tỷ đồng cho đối tác - người đã uỷ quyền cho công ty thu hồi nợ.
"Tụi tui hành nghề hợp pháp, ăn xong là chỉ đi đòi nợ. Công ty nên trả tiền sớm chứ để tụi tui đến hoài như vầy không làm ăn gì được đâu", người đàn ông nhận là đại diện công ty thu hồi nợ, nói. Sự việc thu hút nhiều người đi đường tò mò, dừng lại xem.
Công an quận 1 có mặt ngay sau đó. Tuy nhiên, người đại diện công ty thu hồi nợ cho rằng "chỉ đến đây uống cà phê", những thanh niên xăm trổ nói không phải nguời của công ty đòi nợ mà chỉ "đi uống nước với bạn". Không có chứng cứ nhóm người này mất an ninh trật tự, sự việc cũng như chưa gây hậu quả nên cảnh sát không thể xử lý, chỉ yêu cầu giải tán đám đông.
Trước đó, Công an quận 1 cũng lập hồ sơ một số công ty đòi nợ có dấu hiệu gây rối. Chỉ một, hai người có giấy tờ hợp lệ của công ty, nhóm thanh niên đi chung nói "vừa nghỉ việc" và đến đây "chơi với bạn" chứ không tham gia đòi nợ.
Theo thượng tá Nguyễn Đăng Nam (Trưởng Phòng cảnh sát Hình sự - PC02, Công an TP HCM), dịch vụ đòi nợ thuê thuộc ngành nghề kinh doanh nhạy cảm, các quy định về hoạt động rất chặt chẽ, nhân viên công ty buộc phải có trình độ, có đạo đức và lối sống lành mạnh. Nhưng hầu hết các doanh nghiệp đòi nợ thuê đều có dấu hiệu cấu kết băng nhóm sử dụng chiêu trò, kéo đám đông tụ tập trước cơ sở kinh doanh hay nhà riêng của khách nợ làm mất uy tín của họ.
"Hầu hết mục tiêu của các công ty là nhắm đến người thân của khách nợ - đối tượng không liên quan, chứ người nợ đã bỏ trốn", thượng tá Nguyễn Đăng Nam cho biết.
Như trường hợp bà Liên, 51 tuổi, nhà trên đường Đề Thám (quận 1) hai lần bị tạt sơn, chất nhầy, lòng heo hôi thối... Trước đó, nhóm người hùng hổ đến tìm cháu trai của bà, xưng là người của công ty đòi nợ. Bà Liên nói anh này không ở đây nhưng bị yêu cầu "gọi nó về trả nợ, nếu không sẽ sống không yên ổn".
Cảnh sát nghi vấn công ty đòi nợ thuê có trụ sở ở quận Tân Bình đã khủng bố tinh thần bà Liên. Một số nhân viên công ty được mời làm việc nhưng họ chỉ thừa nhận đến thu nợ cháu chủ nhà, không liên quan các vụ phá hoại. Công an quận 1 yêu cầu đại diện công ty viết cam kết, nhà bà Liên không còn bị khủng bố tinh thần.
Tương tự, một doanh nghiệp trên đường Nguyễn Hữu Cầu (phường Tân Định, quận 1) bị tạt mắm tôm do mâu thuẫn nợ nần trong quá trình làm ăn. Đại diện công ty thu nợ bị mời lên làm việc, buộc viết cam kết.
TP HCM hiện có 67 công ty đòi nợ thuê nhưng chỉ 45 doanh nghiệp được cấp phép, tổng vốn điều lệ hơn 111 tỷ đồng và có 711 người lao động. Số doanh nghiệp "chui" còn lại không hoạt động tại địa điểm đã đăng ký.
Công an TP HCM dự kiến tháng 10 thực hiện kế hoạch kiểm tra định kỳ các doanh nghiệp hoạt động đòi nợ thuê. Đối với các công ty biến tướng (xã hội đen núp bóng), PC02 đã giao Đội 2 (Đội phòng chống tội phạm có tổ chức) siết chặt giám sát, xử lý.
Liên quan việc các công ty đòi nợ thuê có dấu hiệu cấu kết băng nhóm ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, ngày 30/8, UBND TP HCM lần thứ hai kiến nghị Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ đưa loại hình hoạt động này vào danh mục ngành nghề cấm kinh doanh.
Theo thành phố, Điều 15 Nghị định 104/2007/NĐ-CP quy định, nhân viên công ty thu hồi nợ phải có trình độ từ trung cấp trở lên, thuộc các ngành nghề: an ninh, luật, kinh tế, quản lý. Tuy nhiên, ngoài số nhân viên đảm bảo điều kiện tiêu chuẩn theo quy định, đa số các công ty thu hồi nợ đã thành lập thêm pháp nhân công ty bảo vệ, tuyển dụng nhiều người có tiền án tiền sự. Đến khi thực hiện hợp đồng đòi nợ, công ty dùng lực lượng này tham gia gây áp lực cho khách hàng.
Hành vi biến tướng này gây khó khăn cho các cơ quan quản lý. Việc cho phép kinh doanh dịch vụ này vô tình là kẽ hở để một số người cấu kết băng nhóm gây phức tạp về an ninh trật tự. Mặt khác, quan hệ vay - nợ là hợp đồng dân sự, hoặc kinh tế. Khi có tranh chấp, các bên tự thỏa thuận hoặc khởi kiện ra tòa giải quyết. Nhà nước có đầy đủ hệ thống luật pháp, cơ quan bảo vệ, thi hành luật nên không cần thiết phải có dịch vụ đòi nợ thuê.
Nếu không thể cấm, UBND TP HCM đề nghị sửa đổi Nghị định 104/2007 về kinh doanh dịch vụ đòi nợ, như: quy định cụ thể cơ quan thẩm quyền xử phạt, chế tài xử phạt và quy trình đòi nợ đối với khách nợ...
Ngoài ra, trong dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp vừa đưa ra lấy ý kiến, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng bổ sung ngành Kinh doanh dịch vụ đòi nợ vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh. Việc này nhằm hạn chế tình trạng lợi dụng hoạt động đòi nợ thuê làm mất an ninh trật tự. Tuy nhiên, quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang gặp phải nhiều ý kiến trái chiều.
Quốc Thắng