Nội dung trên được đề cập trong tài liệu họp cổ đông thường niên của Công ty cổ phần Garmex Sài Gòn (GMC). Hội đồng quản trị cho biết đến nay công ty vẫn chưa nhận được đơn hàng cho ngành may (gồm may trang phục và tủ vải), chưa giải quyết được hàng tồn kho tủ vải.
Năm ngoái, doanh nghiệp này chịu ảnh hưởng bởi khó khăn chung của kinh tế toàn cầu, xung đột địa chính trị, lạm phát neo cao, tình hình xuất khẩu của ngành giảm hơn 9%, theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS).
Công ty không có đơn hàng xuất khẩu, chỉ gia công một số đơn nhỏ lẻ trong nước để duy trì sản xuất. Tuy nhiên năng suất thấp, giá gia công cạnh tranh dẫn đến doanh thu không đủ bù đắp chi phí. GMC phải cắt giảm hầu hết lao động tại các khối, phòng ban, nhà máy và tạm ngưng sản xuất từ tháng 5/2023 để giảm thiểu thiệt hại.
Chưa có đơn hàng nhưng Garmex Sài Gòn vẫn đặt kế hoạch kinh doanh rất tích cực. Năm nay công ty muốn có doanh thu gần 50,5 tỷ đồng nhưng đặt mục tiêu lãi tới 40 tỷ, tức biên lợi nhuận 79%. So với năm 2023, doanh thu cần tăng 6 lần. Công ty phải cải thiện lãi sau thuế rất mạnh vì hai năm trước đó đều lỗ lần lượt gần 85 tỷ và 52 tỷ đồng.
Kế hoạch kinh doanh của GMC phụ thuộc nhiều vào hoạt động bán tài sản. Ngoài máy móc và thiết bị, công ty cũng bán đấu giá quyền sử dụng đất thuê và công trình xây dựng tại cụm công nghiệp Hà Lam - Chợ Được (Quảng Nam). Lô đất rộng 26.000 m2, có thời hạn sử dụng đến năm 2063.
Giá khởi điểm đưa ra là 156 tỷ đồng. Trong lần đầu đấu giá thất bại vì từ cuối tháng 5 đến hết hạn vẫn không có người đăng ký tham gia. Công ty đang tiếp tục thông báo đấu giá lại với giá khởi điểm giữ nguyên vào giữa tháng 6.
Garmex Sài Gòn hoạt động hơn 20 năm, là một trong những nhà sản xuất hàng may mặc có thị phần lớn, làm việc với nhiều thương hiệu quốc tế. Trước dịch, GMC từng tạo việc làm cho hơn 4.000 công nhân trong năm 2019. Giai đoạn đó, công ty ghi nhận mức doanh thu hàng nghìn tỷ và lợi nhuận lên đến hơn trăm tỷ đồng một năm. 2021 - thời điểm dịch bùng phát, GMC vẫn có lãi hơn 43 tỷ đồng.
Doanh nghiệp này lỗ lần đầu năm 2022 khi đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh, doanh số sụt tới 93% so với năm trước đó. Trong hai năm, khoảng 3.775 lao động bị mất việc ở Garmex Sài Gòn. Riêng quý cuối năm 2023, họ cắt giảm đến 1.947 người. Đến cuối tháng 3, công ty chỉ còn 34 nhân viên.
Tình trạng không có đơn hàng của GMC khác hẳn tín hiệu khởi sắc chung của ngành dệt may. Nhiều doanh nghiệp cho biết xuất khẩu quý I tăng trưởng 10-15% so với cùng kỳ năm ngoái, đơn đặt hàng đã có đến quý II và III.
Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch VITAS, nhìn nhận thị trường đã có tín hiệu tích cực, đơn hàng tăng trở lại so với cùng kỳ đang giúp doanh nghiệp dệt may dần phục hồi. Kế hoạch tăng kim ngạch xuất khẩu ngành này đạt 44 tỷ USD năm nay là hoàn toàn có khả năng. Nhưng các doanh nghiệp vẫn khá lo lắng vì xung đột ở Biển Đỏ, căng thẳng Nga - Ukraine, chiến tranh thương mại giữa các nước ngày càng phức tạp.
Tất Đạt