CNOOC đang phát triển các dự án mới dựa trên những phát hiện ở gần đảo Vi Châu, cách bờ biển Việt Nam 80 hải lý về phía đông, ông Liao Hongyue, giám đốc Kho cảng Vi Châu cho biết.
Theo SCMP, các dự án ở Vi Châu chủ yếu sản xuất dầu thô và chỉ một lượng ít khí đốt làm sản phẩm phụ. Đây hiện là nơi sản xuất dầu khí lớn nhất của CNOOC ở phía tây Biển Đông. Các giàn khoan ở Vi Châu sản xuất 45.700 thùng dầu mỗi ngày, chiếm khoảng 4% sản lượng toàn cầu của công ty này. Đơn vị điều hành ở Vi Châu dự kiến tăng tổng sản lượng dầu và khí đốt ở phía tây Biển Đông lên 260.000 thùng vào năm 2015 và 350.000 thùng vào năm 2020.
CNOOC hiện có 4 khu vực sản xuất khí đốt, bao gồm vịnh Bột Hải, biển Hoa Đông, phía đông Biển Đông và phía tây Biển Đông.
Tháng trước, công ty này đưa giàn khoan nước sâu Hải Dương 981 vào hạ đặt gần quần đảo Hoàng Sa, trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, và ngang nhiên thực hiện hoạt động thăm dò. Các chuyên gia đánh giá, Trung Quốc lợi dụng tính chất thương mại của giàn khoan để biện bạch cho mưu đồ bành trướng chủ quyền nhằm hiện thực hóa "đường lưỡi bò" ở Biển Đông.
Việt Nam đã nỗ lực đối thoại với Trung Quốc ở nhiều cấp và nhiều lần, đồng thời phản đối hành vi xâm phạm chủ quyền của Bắc Kinh đến các nước và tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, Trung Quốc không những không chấm dứt hoạt động phi pháp mà còn mở rộng phạm vi hoạt động của giàn khoan 981. Nước này dự kiến duy trì giàn khoan trong vùng biển trên đến giữa tháng 8.
Anh Ngọc