Nhân viên làm việc cho Trip.com, một trong những công ty du lịch trực tuyến lớn nhất thế giới, sẽ nhận được khoản tiền trợ cấp là 10.000 tệ (1.376 USD) một năm cho mỗi con mới sinh, cho tới khi em bé 5 tuổi. Chính sách có hiệu lực từ 1/7.
"Thông qua gói phúc lợi chăm sóc trẻ em mới, chúng tôi mong muốn hỗ trợ tài chính để khuyến khích nhân viên bắt đầu hoặc mở rộng gia đình mà không ảnh hưởng tới mục tiêu và thành tích công việc", James Liang, chủ tịch Trip.com, ngày 30/6 tuyên bố.

James Liang, chủ tịch Trip.com. Ảnh: Trip.com
Chính sách áp dụng cho nhân viên ký hợp đồng chính thức và làm việc ít nhất ba năm, không phân biệt giới tính, chức vụ hoặc địa điểm làm việc. Công ty có khoảng 32.000 nhân viên.
"Tôi luôn đề nghị chính quyền cấp tiền cho các gia đình có con để giảm chi phí nuôi dạy và giúp nhiều thanh niên thực hiện mong muốn sinh nhiều con", ông Liang nói. "Các công ty cũng có thể dùng khả năng của mình để xây dựng môi trường khuyến khích nhân viên sinh đẻ".
Thông báo của công ty nối bước những sáng kiến tương tự của các công ty Trung Quốc có quy mô nhỏ hơn, diễn ra trong bối cảnh nước này đang đối mặt khủng hoảng nhân khẩu học.
Công ty nông nghiệp Beijing Dabeinong Technology năm ngoái tuyên bố trợ cấp 90.000 tệ (12.391 USD) tiền mặt cho nhân viên sinh con thứ ba. Sinh con đầu lòng hoặc con thứ hai sẽ được nhận lần lượt 30.000 tệ (4.130 USD) và 60.000 tệ (8.260 USD).
Tháng trước, công ty cung cấp dịch vụ vệ sinh đô thị Qiaoyin City Management, tuyên bố trợ cấp 100.000 tệ (13.759 USD) cho nhân viên sinh con thứ ba. Công ty tuyên bố động thái này nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính cho gia đình nhân viên trẻ tuổi, đồng thời hưởng ứng lời kêu gọi khuyến khích sinh đẻ của chính phủ.
Năm 2022, dân số Trung Quốc lần đầu suy giảm sau hơn 60 năm, với chỉ 6,77 ca sinh trên 1.000 người. Đây là tỷ lệ thấp nhất từ khi Trung Quốc thành lập năm 1949. Trung Quốc cũng tụt xuống vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng các quốc gia đông dân trên thế giới, sau Ấn Độ, theo Liên Hợp Quốc.
Bắc Kinh xóa bỏ chính sách một con kéo dài hàng thập kỷ năm 2015, cho phép các cặp vợ chồng sinh hai con. Nhưng tỷ lệ sinh chỉ tăng lên một chút vào năm 2016 rồi tiếp tục suy giảm.
Khủng hoảng nhân khẩu học đang là mối quan tâm hàng đầu của các nhà hoạch định chính sách, bởi tác động sâu sắc đối với đất nước. Tỷ lệ sinh thấp làm vấn đề già hóa dân số thêm nghiêm trọng, ảnh hưởng tăng trưởng kinh tế, giảm nguồn thu từ thuế và giảm quỹ hưu trí vốn đang căng thẳng.
Ngoài tỷ lệ sinh giảm, chính phủ Trung Quốc còn đau đầu về tình trạng ngày càng ít người Trung Quốc muốn kết hôn. Năm 2022, nước này có 6,83 triệu người kết hôn, theo dữ liệu Bộ Nội vụ công bố hồi tháng 6. Con số này giảm 10,5% so với 7,63 triệu trường hợp đăng ký kết hôn năm 2021 và là con số thấp nhất từ năm 1986 tới nay.
Các nhà hoạch định tiếp tục nới lỏng chính sách sinh đẻ năm 2021, cho phép sinh con thứ ba và khuyến khích đẻ nhiều con, thông qua các biện pháp tăng thời gian nghỉ thai sản, giảm đóng thuế. Tuy nhiên, các động thái này chưa mang lại kết quả trong bối cảnh các quan niệm về giới tính đang thay đổi, chi phí sinh hoạt và giáo dục cao, kinh tế khó khăn.
Hồng Hạnh (Theo CNN)