Ngày 4/2, Nguyệt (nguyên Phó phòng Tài chính Fosco); Đoàn Trúc Sơn (nguyên Trưởng phòng dịch vụ cung ứng lao động), Ngô Minh Dũng (nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Cung ứng lao động phụ trách mảng dịch vụ cung ứng lao động) và Hà Minh Hoàng (nhân viên lập bảng lương) bị TAND TP HCM xét xử về tội Tham ô tài sản theo khoản 4 Điều 353 BLHS - khung hình phạt từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình.
Vụ án còn có 14 bị cáo khác bị truy tố tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, trong đó có 4 người nguyên là Phó tổng giám đốc Fosco: Trần Công Thanh, 54 tuổi; Phan Tiến Công, 65 tuổi; Huỳnh Thị Tuyết Nhung, 51 tuổi và Phan Thị Thanh Xuân, 61 tuổi.
Phiên tòa được xét xử kín, song không công bố lý do, kéo dài trong 2 ngày. Chánh tòa Hình sự Phạm Lương Toản làm chủ tọa.
HĐXX triệu tập nguyên đơn dân sự và 14 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Công ty Fosco được xác định là nguyên đơn dân sự trong vụ án.
Fosco là doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc UBND TP HCM. Ngoài hoạt động về tư vấn quản lý, cung ứng và quản lý nguồn lao động, dịch vụ môi giới bất động sản... công ty còn là đơn vị trung gian thu BHXH, BHYT, thực hiện dịch vụ trả lương hộ cho các văn phòng đại diện trên địa bàn thành phố. Trong đó, Trung tâm cung ứng lao động (TTCULĐ) là một trong những đơn vị trực thuộc và hạch toán phụ thuộc Fosco.
Theo cáo trạng, năm 2012, Nguyễn Tấn Tài (Tổng giám đốc Fosco, hiện đã chết) cùng Ngô Minh Dũng, Đoàn Trúc Sơn và Hà Minh Hoàng lập khống nhiều bảng lương để rút tiền từ tài khoản Fosco "dùng làm phí bôi trơn cho các dự án", sử dụng vào những hoạt động khác của công ty, tiêu dùng cá nhân. Trần Hoàng Nguyệt hướng dẫn cách lập những bảng lương khống.
Trong đó, Nguyệt xác định số tiền cần lập khống, chọn tài khoản và cách thức chiếm đoạt. Dũng và Sơn tìm người mở tài khoản tại các ngân hàng rồi giao cho Nguyệt lập các bộ chứng từ lương khống để chuyển tiền từ tài khoản của Fosco vào các tài khoản cá nhân (người thân gia đình, bạn bè) rồi rút ra chiếm đoạt.
Hàng tháng, Nguyệt dựa vào số dư tiền các đơn vị khách hàng đã chuyển vào tài khoản của Fosco để định ra số tiền chiếm đoạt, sử dụng mã đơn vị khách hàng và mã nhân viên đã nghỉ việc của đơn vị khách hàng này để lắp ghép thành các tập tin "Bảng tổng hợp lương rời thanh toán chuyển khoản", "giấy đề nghị chuyển tiền".
Sau đó, Hà Minh Hoàng in các tài liệu này, kẹp với các chứng từ lương khác để trình Đoàn Trúc Sơn ký nháy, chuyển lên Ban Giám đốc TTCULĐ để Phó giám đốc Ngô Minh Dũng, hoặc Đào Công Đương, Nguyễn Thị Kim Thanh và Nguyễn Văn Quyết ký xác nhận.
Hồ sơ này sẽ được chuyển qua các khâu khác, trước khi trình lên Ban Tổng giám đốc (Trần Công Thanh, Phan Tiến Công, Huỳnh Thị Tuyết Nhung, Phan Thị Thanh Xuân) ký duyệt. Căn cứ trên các tài liệu này và đề nghị của Fosco, ngân hàng sẽ chuyển tiền từ tài khoản Fosco sang 7 tài khoản cá nhân nhóm Nguyệt chuẩn bị sẵn.
Cơ quan điều tra xác định, từ tháng 12/2012 đến tháng 3/2016, Nguyệt, Sơn, Dũng và Hoàng lập khống 314 bộ chứng từ lương, chiếm đoạt của Fosco hơn 44 tỷ đồng. Số tiền này nhóm bị cáo sử dụng vào việc mua căn hộ cao cấp, ôtô Mercedes...
Có 9 đơn vị bị Nguyệt và đồng phạm sử dụng thông tin để lập chứng từ khống là văn phòng đại diện: Alcon Pharmaceuticals LTD, Diversey Hygiene (Thailand), Tổ chức di cư Quốc tế, Ipsen Pharma, Kalbe International PTE.LTD, MGF Sourcing Far EAST.LTD tại TP HCM, Trường đại học Fulbright và Trường Pháp Quốc tế Marguerite Duras.
Quá trình điều tra, Nguyệt không thừa nhận hành vi, không nhận tiền chiếm đoạt của Fosco, không nhờ Sơn hợp thức hóa tiền chiếm đoạt (bằng việc mua nhà), song cáo trạng cho rằng có đầy đủ căn cứ xác định bị cáo giữ vai trò chính trong vụ án.
Theo điều 25 Bộ luật Tố tụng hình sự, trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật Nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai.
Dương Trang