Theo tài liệu phiên họp thường niên vào giữa tháng 3, Tập đoàn Hoa Sen (mã chứng khoán HSG) sẽ trình cổ đông chủ trương mua lại 50-100 triệu cổ phiếu. Hội đồng quản trị cũng có thể tùy diễn biến thị trường mua lại tối đa 186 triệu cổ phiếu, tức 30% cổ phần đã phát hành theo mức trần quy định tại Luật Doanh nghiệp.
Ban lãnh đạo công ty cho biết đây là biện pháp dự phòng để bảo vệ lợi ích cổ đông khi thị trường chứng khoán diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến giá cổ phiếu.
Hoa Sen dự kiến dùng thặng dư vốn cổ phần, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối để thực hiện giao dịch. Giả định theo thị giá hiện tại (17.750 đồng), công ty của ông Lê Phước Vũ có thể chi 880-3.300 tỷ đồng mua lại cổ phiếu.
Chủ trương mua lại này được Hoa Sen công bố cùng lúc với dự báo của ban lãnh đạo công ty về biến động phức tạp ngành tôn thép năm nay. Tại tờ trình kế hoạch kinh doanh, công ty đánh giá nhu cầu tiêu thụ trong nước rất thấp, trong khi thép đang dư thừa nên phải cạnh tranh gay gắt với doanh nghiệp cùng ngành.
"Trong bối cảnh chuyển giao quyền lực chính trị tại Mỹ, nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại là rất lớn. Do đó, xuất khẩu tôn và thép đối mặt nhiều thách thức, khó đảm bảo thị phần ổn định", ban lãnh đạo Hoa Sen nhận định.
Doanh nghiệp này dự kiến kết quả kinh doanh niên độ tài chính 2024-2025 thụt lùi so với cùng kỳ. Theo kịch bản khả quan nhất, công ty dự kiến sản lượng tiêu thụ tương đương năm trước. Khi đó, doanh thu thuần đạt 38.000 tỷ đồng và lãi sau thuế 500 tỷ, giảm khoảng 3% so với niên độ trước.
Với kịch bản thận trọng hơn, họ dự kiến doanh thu sẽ giảm 11% xuống 35.000 tỷ đồng và lãi sau thuế hạ 22% xuống 400 tỷ đồng.
Công ty của ông Lê Phước Vũ đã ghi nhận doanh thu thuần 10.221 tỷ đồng và lãi sau thuế 165 tỷ đồng trong 3 tháng đầu niên độ. Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu HSG dao động trong vùng 17.000-18.000 đồng, không biến động nhiều so với đầu năm. Tuy nhiên, so với vùng giá cao nhất 12 tháng qua, mức hiện tại giảm hơn 30%.
Tại phiên họp thường niên năm 2022, ông Lê Phước Vũ dự báo giá cổ phiếu lên 100.000 đồng, gấp ba lần thị giá thời điểm đó. Cơ sở của kỳ vọng này là việc chuyển hướng từ sản xuất sang phát triển Hoa Sen Home – hệ thống phân phối vật liệu xây dựng. Theo đó, Hoa Sen từ nhà cung cấp tôn thép sẽ trở thành đối tác của hàng nghìn nhà cung cấp khác. Ông Vũ cho rằng nếu triển khai thành công hệ thống này, doanh thu 5 hay 10 tỷ USD một năm không phải con số viển vông.
Trong tài liệu họp sắp tới, lãnh đạo Hoa Sen cho biết phát triển mảng phân phối vật liệu xây dựng và nội thất tiếp tục là trọng tâm của doanh nghiệp. Công ty chủ trương thành lập Công ty cổ phần Hoa Sen Home để tiếp nhận hệ thống phân phối này. Về dài hạn, nếu tình hình thuận lợi, họ sẽ tính đến việc phát hành cổ phiếu ra công chúng và niêm yết Hoa Sen Home.
Phương Đông