Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép cho công ty Neuralink tiến hành thử nghiệm đầu tiên ở người, Live Science hôm 2/6 đưa tin. Neuralink hướng tới sử dụng công nghệ giao diện não – máy tính (BCI) để phục hồi cử động ở người bị liệt hoàn toàn hoặc một phần tay chân. Musk cũng cho biết thiết bị cấy não có thể giúp khôi phục thị lực ở người mù.
Neuron hay tế bào thần kinh, giao tiếp thông qua tín hiệu điện để điều phối suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của con người. Về lý thuyết, chip não của Neuralink hoạt động bằng cách giải mã tín hiệu điện và truyền thông tin mã hóa tới máy tính thông qua Bluetooth. Trong trường hợp giúp phục hồi cử động, máy tính sẽ phân tích thông tin truyền đến và phản hồi bằng cách gửi tín hiệu cho cơ thể, kích thích dây thần kinh và cơ bắp để điều khiển cử động.
Thiết bị cấy được đưa vào qua một lỗ nhỏ ở hộp sọ tạo bởi robot phẫu thuật, sau đó điện cực của con chip được ghim sâu vài milimet ở lớp ngoài cùng của não. Quá trình diễn ra trong 30 phút mà không cần gây mê toàn thân.
Neuralink không phải công ty duy nhất phát triển công nghệ BCI. Chẳng hạn, năm 2022, Synchron cấy hệ thống Stentrode vào bệnh nhân đầu tiên sau khi xin giấy phép thử nghiệm trên người từ FDA. Thiết bị được thiết kế để giúp người liệt vận hành công nghệ hỗ trợ thông qua ý nghĩ. Synchron cũng hướng đến khôi phục cử động ở người bị liệt nặng. Musk từng tiếp cận nhà sáng lập Synchron để thỏa thuận hợp tác chỉ vài tháng trước khi một cuộc điều tra liên bang nhắm vào Neuralink với cáo buộc xâm phạm quyền lợi động vật.
Tổ chức Physicians Committee for Responsible Medicine (PCRM) nộp đơn hồi tháng 2/2022 tố cáo các bác sĩ phẫu thuật ở Neuralink hai lần sử dụng trái phép một loại keo để lấp kín lỗ ở hộp sọ khỉ, khiến keo chảy vào não và giết chết chúng. Bộ Giao thông cũng đang điều tra liệu Neuralink có chấp hành các biện pháp an toàn khi vận chuyển thiết bị cấy lấy ra từ não khỉ hay không.
Neuralink đã giết chết ước tính 1.500 con vật từ năm 2018 bao gồm cừu, lợn và khỉ. Nhà chức trách chưa rõ có bao nhiêu con vật chết do biến chứng từ thí nghiệm cấy não của Neuralink. Trong một thí nghiệm bao gồm 23 con khỉ, 5 con (21%) bị trợ tử do vấn đề liên quan tới thiết bị.
Nỗ lực xin giấy phép đầu tiên từ FDA của Neuralink vào năm 2022 bị từ chối vì lý do an toàn. Tuy nhiên, Musk bày tỏ tin tưởng vào độ an toàn Neuralink và sẵn sàng cấy chip não cho các con cũng như chính bản thân ông. Thử nghiệm ở người sắp tới cần chứng minh độ an toàn và hiệu quả của chip não Neuralink trước khi có sẵn trên thị trường.
An Khang (Theo Live Science)