Nhờ giá vốn giảm sâu nên lợi nhuận gộp xấp xỉ 140 tỷ đồng, kéo theo tỷ suất sinh lời gộp lên đến 49%. Các khoản chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp cũng được tiết kiệm vài lần so với cùng kỳ đã giúp lợi nhuận của Tân Tạo tăng 66%, đạt 113 tỷ đồng. Lần gần nhất công ty do bà Đặng Thị Hoàng Yến lãi trăm tỷ theo quý là quý IV/2010.
Luỹ kế chín tháng đầu năm, Tân Tạo ghi nhận doanh thu 548 tỷ đồng. Các mảng kinh doanh chính đều sa sút, theo lý giải của ban lãnh đạo, là do ảnh hưởng của dịch bệnh nên kết quả thu hút đầu tư không như mong đợi. Cho thuê đất đã phát triển cơ sở hạ tầng vẫn đóng góp lớn nhất trong cơ cấu doanh thu với trên 65%, phần còn lại đến từ cho thuê nhà xưởng, kho bãi, bán đất nền và cung cấp dịch vụ.
Tân Tạo báo lãi chín tháng đạt 187 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ và hoàn thành 69% kế hoạch cả năm. Khoản lãi đậm trong quý III giúp lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của công ty vượt hơn 1.000 tỷ đồng.
Hồi đầu năm, công ty đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng khi doanh thu dự kiến giảm 35% so với năm trước, còn 842 tỷ đồng. Bà Đặng Thị Hoàng Yến nhận định năm nay công ty sẽ đối mặt với nhiều thách thức, nhưng nếu phân tích và đánh giá chi tiết thì bà vẫn tin rằng trong khó khăn sẽ có cơ hội lớn.
Động lực tăng trưởng lớn nhất của công ty là xu hướng chuyển dịch nhà máy từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, giúp mảng bất động sản khu công nghiệp phát triển mạnh.
Bà Yến tự tin Tân Tạo là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong mảng này nên sẽ được các nhà đầu tư nghĩ đến đầu tiên khi chuyển dịch. Vì thế, công ty đặt ba mục tiêu quan trọng là hoàn thiện các khu đô thị, khu công nghiệp trong nước; mở rộng khu công nghiệp Tân Đức II rộng 230 hecta và đầu tư tại California, Mỹ.
"Chúng ta sẽ đi bằng ba chân để Tân Tạo phát triển bền vững thời gian tới", bà Yến nói. Bên cạnh đó, công ty cũng đang tìm kiếm các tổ chức, quỹ đầu tư nước ngoài có năng lực tài chính để thoái vốn một số dự án thương mại dịch vụ, nghỉ dưỡng...
Phương Đông