Nếu tổ chức nước ngoài nắm 100% vốn công ty chứng khoán trong nước họ cần phải có thời gian để tìm hiểu thị trường trong khi công tyc hứng khoán trong nước có lợi thế về phí dịch vụ và am hiểu bản địa.
Thông tư 58 đã chính thức được ban hành, theo đó ngoài nội dung tăng chuẩn niêm yết, vấn đề được thị trường chú ý là đã có khung cho việc các tổ chức nước ngoài được phép nắm giữ 100% vốn công ty chứng khoán Việt Nam.
Ông Giang Trung Kiên – Giám đốc phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán FPTS chia sẻ về vấn đề này.
- Báo cáo phân tích gần nhất của FPTS nêu quan điểm “Nhà đầu tư nên duy trì tỷ lệ tiền mặt cao” trong khi một số bên cho rằng thời điểm này đang là đáy của thị trường và nhà đầu tư nên mua vào. Vậyquan điểm của anh về thị trường ở thời điểm hiện tại như thế nào?
- Theo tôi, bản thân nền kinh tế hiện vẫn tồn tại nhiều khó khăn như quá trình cơ cấu hệ thống ngân hàng, tổng cầu chưa cải thiện, GDP tăng trưởng thấp… Tuy nhiên khó khăn hiện tại của chúng ta không chỉ ở tầm vĩ mô mà ở tầm vi mô nữa, tức là kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn chưa được cải thiện nhiều trong quý II. Điều này cho thấy khả năng phục hồi của các doanh nghiệp - xương sống của nền kinh tế vẫn rất chậm và kém, và do đó chúng tôi cho rằng khả năng bùng nổ của thị trường ở thời điểm này rất khó.
Kết hợp đánh giá theo phân tích kỹ thuật, vài tuần gần đây thị trường luôn dao động trong biên độ hẹp mặc dù Vn-Index đã lên 430 điểm xong lại rơi xuống 410 điểm, thanh khoản chỉ quanh 1.000 tỷ trên hai sàn.
Như vậy, những nhà đầu tư tham gia lướt sóng thời điểm này rất khó, họ chỉ có thể thắng nếu mua khi thị trường giảm và bán khi thị trường tăng – điều này ngược lại với lý thuyết kỹ thuật là mua khi tất cả các tín hiệu đã khẳng định rõ ràng -mua khi thị trường tăng và bán khi thị trường giảm.
Thị trường ở thời điểm hiện tại chỉ có cơ hội cho những nhà đầu tư chấp nhận rủi ro cao, do đó đứng ở góc độ cẩn trọng chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư đứng ngoài cho đến khi các tín hiệu rõ ràng hơn.
- Trên truyền thông rất nhiều các chuyên gia nhận định thị trường sẽ khởi sắc và xác định xu hướng tăng, nhưng thực thế những gì diễn ra trong tuần qua đều đi ngược lại, theo ông, nhà đầu tư phải làm gì trong tình hình này?
- Thị trường không thể chỉ tăng chỉ vì lời nói của một vài người, cho dù người đó có tầm ảnh hưởng lớn, mặc dù có thể có những tác động nhất định, nhưng rõ ràng đây không thể là yếu tố không phải là quyết định và bền vững. Thậm chí nếu những lời nói không thể chuyển hóa thành thực tế, thị trường sẽ phản ứng ngược lại và giảm sâu hơn.
- Các chính sách mới đưa ra trong thời gian qua như lệnh MP, Thông tư 52, thông tư 58…dường như chưa có tác dụng rõ rệt, nhận định của ông về thị trường 6 tháng cuối năm ra sao?
- Chúng ta nhìn lại rằng các lệnh MP, T3... đó không phải là mới, đó là các công cụ tạo ra hành lang pháp lý cho thị trường hoạt động được nhà đầu tưtrông chờ từ khá lâu. Việc đưa ra các chính sách mới không thể làm thị trường thay đổi ngay lập tức mà để chuẩn bị đón đầu thị trường tăng trưởng trở lại. Mấu chốt của thị trường hiện tại là vấn đề dòng tiền.
Thị trường bị ảnh hưởng nhiều từ sức khỏe của nền kinh tế, khả năng có tái cơ cấu thành công hay không... tôi không thể dự đoán chính xác thị trường bao giờ phục hồi…mặc dù tôi vẫn tin tưởng vào điều đó.
Theo quan điểm của tôi, với khả năng thẩm thấu chính sách tiền tệ nới lỏng rất mạnh trong thời điểm quý II, việc kiên quyết áp trần lãi suất cho vay, hỗ trợ các doanh nghiệp khó khăn… thì khoảng cuối quý III và đầu quý IV thị trường có khả năng hồi phục mạnh.
Chính sách tiền tệ có tác dụng nhanh chóng nhưng sức khỏe nền kinh tế hiện tại giống như một người bệnh, không thể nào uống 1 viên thuốc mà khỏi ngay được, phải uống đủ liều để thấm thấu.
- Tuần qua Chính phủ đã ký Thông tư 58, cho phép tổ chức ngoại nắm 100% vốn của công ty chứng khoán, theo anh điều này sẽ ảnh hưởng gì đến công ty chứng khoán trong nước?
- Trước khi Nghị định 58 ra đời, các tổ chức nước ngoài đã được nắm 49% vốn điều lệ của các công ty chứng khoán trong nước. Tuy nhiên chúng ta thử điểm mặt các công ty chứng khoán có yếu tố ngoại họ hoạt động như thế nào và vị trí của họ ra sao trên thị trường. Rõ ràng trong Top 10 môi giới trên hai sàn có yếu tố ngoại ở các công ty chứng khoán này có mức độ ảnh hưởng không lớn, nói vậy thể thấy rằng yếu tố nội vẫn rất quan trọng.
Thứ hai, đến một chu kỳ phát triển của thị trường chúng ta phải chấp nhận độ cạnh tranh rất cao, bởi vì dầu sao thị trường Việt Nam vẫn nằm trong vùng trũng của chứng khoán thế giới, tức là mức độ phát triển rất kém, khi đi nhanh chúng ta phải đi tắt đón đầu và chấp nhận mức độ cạnh tranh cao.
- Nhưng các tổ chức nước ngoài có lợi thế về vốn, công nghệ cũng như độ chuyên nghiệp hơn hẳn?
- Các tổ chức nước ngoài rõ ràng có lợi thế nhiều hơn các công ty trong nước nhưng phải nhìn lại rằng trình độ công nghệ của các công ty top 10 không thua kém quá xa so với các công ty nước ngoài. Thứ hai mức độ hiểu biết doanh nghiệp trong nước không ai bằng người bản địa.
Thứ ba, các công ty trong nước đã hoạt động trong thời gian dài, khẳng định được chất lượng dịch vụ và sản phẩm đối với nhà đầu tư và mức độ cạnh tranh giữa các công ty trong top đầu hiện rất cao.
Như vậy để công ty chứng khoán nước ngoài chứng minh lợi thế vượt trội 3 điều tôi nhắc ở trên cần phải có thời gian và họ phải tìm đến những nhân tố mới – những điều này sẽ làm cho mặt bằng thị trường tốt hơn lên mà thôi.
- Các công ty chứng khoán phải làm gì tại thời điểm này?
- Chúng ta không thể ăn xổi bởi tự doanh, đẩy mạnh đầu tư để bù cho tăng trưởng chung, chiếm thị phần. Có rất nhiều bài học trên thị trường được chứng minh bởi các công ty có mức độ tăng trưởng thị phần nhanh, họ tăng trưởng thị phần bằng mọi giá và đã phải trả giá.
Tôi muốn nhận mạnh rằng, chúng ta cần phải cạnh tranh nhưng chúng ta vẫn phải quay lại cốt lõi của công ty là hoạt động môi giới, chất lượng tư vấn và dịch vụ khách hàng... nhằm thu hút đông đảo nhà đầu tư đến với công ty chứng khoán.
Đó là vì sao FPTS hạn chế hoạt động tự doanh từ năm 2009 (trong quý II/2012 doanh thu tự doanh của FPTS chỉ khoảng 79 triệu đồng chủ yếu đó là phần mua cổ phiếu lô lẻ hỗ trợ cho nhà đầu tư).
Hiện top10 công ty tập trung vào mảng cốt lõi của mình là nâng cao chất lượng môi giới, tư vấn hệ thống giao dịch cho nhà đầu tư và họ cũng đã có những thành công nhất định.
- Dòng tiền tại FPTS thời điểm này có bị rút ra nhiều không?
- Trong 3,4 tháng gần đây dòng tiền ở FPTS vẫn tăng trưởng mạnh bởi FPTS liên tục nâng cao chất lượng tư vấn và môi giới, nâng cao xử lý hệ thống, giảm phí, hội thảo và phổ biến kiến thức chứng khoán cho nhà đầu tư. Vào các cuối tuần như thứ 6, thứ 7 mỗi tháng chúng tôi tổ chức các buổi đào tạo chứng khoán cho nhà đầu tư.
(Theo TTVN)