Trong hai năm gần nhất, bảng xếp hạng lợi nhuận các công ty chứng khoán thường tương đồng với xếp hạng thị phần môi giới trên thị trường. Tuy nhiên, trong hai quý đầu năm nay, những cái tên dẫn đầu về nghiệp vụ này lại có lợi nhuận giảm mạnh nhất.
Trong khi những cái tên top đầu thị trường như SSI, HSC, VND, VCSC đều giảm mạnh lợi nhuận thì những công ty có quy mô nhỏ, được vốn ngoại hậu thuẫn hay kinh doanh thị trường riêng biệt lại duy trì đà tăng trưởng mạnh.
Công ty chứng khoán SSI - đơn vị đứng đầu thị phần môi giới HoSE và HNX trong 6 tháng đầu năm - đã xuống vị trí thứ hai trên bảng xếp hạng lợi nhuận khi báo lãi trước thuế giảm 45%. Trong nửa đầu năm, môi giới là mảng hoạt động giảm mạnh nhất của SSI khi thu về chỉ gần 285 tỷ đồng, so với mức trên 700 tỷ cùng kỳ năm trước. Tổng doanh thu hoạt động giảm hơn 20%, xuống 1.435 tỷ đồng.
Tương tự SSI, Công ty chứng khoán TP HCM (HSC), Công ty chứng khoán VNDirect (VND) và Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) - ba doanh nghiệp trong top 5 thị phần môi giới cũng báo lãi giảm mạnh.
Lợi nhuận HSC trong 6 tháng đầu năm giảm gần 60%. Trong đó, nguyên nhân chính là doanh thu môi giới chỉ bằng một nửa, còn lãi từ các tài sản tài chính FVTPL chỉ bằng 36% cùng kỳ. Tổng doanh thu hoạt động của HSC chỉ đạt 763 tỷ đồng, so với mức trên 1.500 tỷ trong hai quý đầu năm 2018.
VCSC và VND cũng báo lãi giảm lần lượt 35% và 46%, cùng với nguyên nhân là sự sụt giảm của hoạt động môi giới và các hoạt động chủ chốt.
Theo phần giải trình của các doanh nghiệp này, hoạt động của thị trường chung tiếp tục đi xuống là nguyên nhân chính khiến các mảng kinh doanh sụt giảm. Tổng giá trị giao dịch bình quân quý II toàn thị trường chỉ đạt hơn 4.300 tỷ đồng, giảm 40%, trong đó riêng thanh khoản sàn HoSE giảm 38,4%. Tổng giá trị giao dịch toàn thị trường 6 tháng đầu năm cũng giảm xấp xỉ 45%.
"Thanh khoản giảm là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến doanh thu từ nghiệp vụ môi giới chứng khoán và hoạt động cho vay ký quỹ, ứng trước tiền bán giảm mạnh", SSI cho biết.
Tuy nhiên, sự lao dốc của các doanh nghiệp nhóm đầu là cơ hội cho những cái tên phía sau bứt lên. Công ty chứng khoán Kỹ thương (Techcombank Securities - TCBS) là một ví dụ khi báo lãi trước thuế bán niên gần 600 tỷ đồng, hơn gấp ba cùng kỳ. Con số này cũng giúp TCBS vượt qua SSI trở thành cái tên đứng đầu bảng xếp hạng lợi nhuận. Nhưng khác với những doanh nghiệp top đầu, môi giới không phải mảng kinh doanh chính của TCBS.
Hơn 750 tỷ đồng doanh thu hoạt động của TCBS trong hai quý đầu năm chủ yếu đến từ nghiệp vụ tư vấn, bảo lãnh phát hành trái phiếu và lãi từ các tài sản tài chính FVTPL.
TCBS nắm giữ xấp xỉ 80% thị phần phát hành trái phiếu trên HoSE trong hai quý đầu năm. Công ty này cho biết đã tư vấn phát hành 7.700 tỷ đồng khối lượng trái phiếu cho nhiều doanh nghiệp lớn, tăng 413% so với cùng kỳ năm trước.
Sự bùng nổ của kênh trái phiếu trong giai đoạn đầu năm với mức lãi suất nhiều đợt phát hành có thể đạt gấp đôi lãi suất huy động 12 tháng của các ngân hàng thương mại đã thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư. TCBS, vốn là doanh nghiệp giữ thị phần cao nhất, cũng hưởng lợi lớn từ xu hướng này.
Một trường hợp "ngoại đạo" khác là Công ty chứng khoán FPT (FPTS). Công ty này ra khỏi nhóm 10 doanh nghiệp có thị phần môi giới lớn nhất HoSE trong giai đoạn nửa đầu năm, nhưng vẫn đứng trong top 5 lợi nhuận cao nhất.
FPTS báo lãi trước thuế 6 tháng hơn 225 tỷ đồng, tăng 47%. Trong đó, lãi thực hiện chỉ đạt hơn 102 tỷ đồng, giảm hơn 30% nhưng được bù đắp bởi việc đánh giá lại khoản đầu tư vào Công ty May Sông Hồng (mã CK: MSH). Lãi chưa thực hiện của công ty này ghi nhận hơn 123 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ ghi âm hơn gần 155 triệu đồng.
Một số công ty có vốn ngoại "chống lưng" như KB Việt Nam hay Yuanta cũng bước đầu có kết quả tích cực. Lợi nhuận trước thuế của KB Việt Nam gấp gần ba lần cùng kỳ, trong khi Yuanta, tiền thân là Công ty chứng khoán Đệ Nhất, đã bắt đầu có lãi.
Minh Sơn