Ông Nguyễn Hồ Nam, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín Sacombank (SBS) cho biết, trước mắt sẽ dành 200 tỷ đồng và tăng lên tùy theo nhu cầu từ thị trường cho giao dịch repo chứng khoán. Đây là loại hình nghiệp vụ cho phép nhà đầu tư đi vay tiền và dùng chứng khoán để thế chấp, cầm cố.
SBS sẽ áp dụng repo đối với khoảng 15 loại cổ phiếu hàng đầu đã được niêm yết và một số cổ phiếu chưa niêm yết như: Eximbank, MB, Habubank, Hoàng Anh - Gia Lai, Vinaconex... Mức lãi suất dự kiến 1,75-1,8% một tháng.
Việc tái cho vay đầu tư chứng khoán thông qua hình thức repo cổ phiếu là dấu hiệu cho thấy thị trường chứng khoán đang hồi phục trở lại. |
Ông Nam cho biết, kinh tế vĩ mô đang dần ổn định, tốc độ tăng của lạm phát đã giảm, đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh, thị trường chứng khoán đã trải qua giai đoạn suy giảm mạnh, giá hầu hết cổ phiếu đang ở mức thấp... là những lý do để SBS chọn thời điểm hiện nay repo trở lại. Qua đó, không những tăng tính thanh khoản cho thị trường mà còn tạo thêm thu nhập cho công ty chứng khoán.
Do thị trường suy giảm, hầu hết công ty chứng khoán đều đã dừng nghiệp vụ repo chứng khoán kể từ quý 1 đến nay.
Lãnh đạo một công ty chứng khoán có trụ sở trên đường Nguyễn Công Trứ cho hay, nguồn vốn là một trong những trở ngại cho tái thực hiện nghiệp vụ này mặc dù hiện rất muốn trở lại repo. Các công ty chứng khoán có ngân hàng mẹ hỗ trợ vốn sẽ có lợi thế hơn. Xét về tính hiệu quả khi áp dụng repo, vị này cũng đồng quan điểm "repo hiện nay an toàn hơn thời điểm cách đây 1 năm, vì giá cổ phiếu đã xuống thấp, khả năng giảm điểm không đáng kể so với mức 900-1.100 điểm, độ rủi ro do vậy sẽ giảm thiểu nhiều".
Đại diện một số công ty chứng khoán cho biết vẫn duy trì nghiệp vụ này trong âm thầm chứ không quảng bá rầm rộ do Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã có yêu cầu dừng ký hợp đồng mới đối với giao dịch có kỳ hạn (repo chứng khoán) vào cuối tháng 5 vừa qua.
Phó tổng giám đốc một công ty chứng khoán quận 3 cho biết, tùy loại cổ phiếu mà có sự định giá repo khác nhau. Tuy nhiên repo ở thời điểm này rất an toàn do giá cổ phiếu thấp, trong khi mức lãi suất tương đương hoặc cao hơn lãi suất cho vay ở các nhà băng hiện nay. Đây là nguồn lợi nhuận không nhỏ cho các công ty chứng khoán.
Trước đây, Ủy ban chứng khoán đã yêu cầu các công ty chứng khoán tạm dừng nghiệp vụ repo do lo sợ thị trường chứng khoán sẽ giảm sâu hơn nữa từ những tác động của hoạt động thế chấp, cầm cố chứng khoán. Còn hiện nay, tình hình thị trường đã khả quan hơn, và có thể xem là thời điểm phù hợp để tái xuất nghiệp vụ này, theo ông Phó tổng giám đốc công ty chứng khoán cho biết. Thế nhưng, công ty này chỉ ưu tiên cho những khách VIP chứ không mang tính phổ biến.
Thành viên hội đồng quản trị một công ty chứng khoán vừa mới thành lập cũng cho biết, tuy "sinh sau đẻ muộn", nhưng bù lại họ có số vốn được bảo toàn, không bị thua lỗ từ hoạt động tự doanh như các đàn anh đi trước. Tận dụng ưu thế đó, công ty này sẽ trích từ vốn điều lệ để repo trong thời gian tới.
Chuyên gia chứng khoán Huy Nam nhận định, tùy vào sự hồi phục của thị trường và khả năng tài chính từng ngân hàng, công ty chứng khoán xác định thời điểm repo trở lại. Trước đây Ủy ban chứng khoán chỉ cảnh báo những tác động không tốt đến thị trường và yêu cầu tạm ngưng repo kể từ cuối tháng 5, chứ không nghiêm cấm hẳn.
Theo ông Nam, mỗi công ty chứng khoán sẽ quan điểm khác nhau khi xác định thị trường đã tốt trở lại hay chưa, thanh khoản đang ở mức như thế nào, khả năng đảm đương repo đến đâu... để tái thực hiện nghiệp vụ này. Và dĩ nhiên, trong nhiều sự tính toán đó, công ty chứng khoán cũng sẽ cẩn trọng trong việc sàng lọc đối tượng áp dụng loại hình giao dịch này chứ không mang tính đại trà như hồi thị trường tăng trưởng nóng.
Bạch Hường