Theo quy định, sớm nhất là một ngày sau khi nhà đầu tư bán chứng khoán, tiền mới đổ về tài khoản. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho khách hàng có thể quay vòng vốn nhanh, nhiều công ty chứng khoán áp dụng chính sách ứng trước tiền. Ngay khi có thông báo lệnh bán đã được khớp, nhà đầu tư có thể đề nghị ứng trước toàn bộ hoặc một phần và chịu một khoản phí nhất định.
Sau đó, họ có thể dùng số tiền ứng trước này để đầu tư ngay vào một mã khác mà không phải chờ đợi đến ngày hôm sau. Đến ngày tiền về, công ty chứng khoán sẽ quản lý luôn chứ không phải trả lại cho nhà đầu tư.
Dịch vụ này có lợi cho cả đôi bên, song sẽ vô cùng rủi ro khi xảy ra sự cố kiểu TLT hôm qua. Giữa công ty chứng khoán và nhà đầu tư thường ký một thỏa thuận bán quyền nhận tiền bán chứng khoán (nôm na là ứng trước tiền). Tuy nhiên, hầu như không đề cập tới trường hợp kết quả giao dịch bị hủy và trách nhiệm của các bên liên quan. Tiền đã xuất ra cho nhà đầu tư, công ty chứng khoán sẽ khó khăn khi phải đi đòi lại.
![]() |
Sự cố TLT làm khó các công ty chứng khoán. Ảnh: Hoàng Hà. |
Trưởng phòng môi giới của một công ty chứng khoán có trụ sở tại Hà Nội than: "Gánh nặng bị chuyển sang các công ty. Bây giờ chúng tôi chỉ còn cách chuyển các khoản ứng trước đó thành một dạng cầm cố, tức là nhà đầu tư vay tiền của công ty và cầm cố bằng chính chứng khoán mà họ đã mua bằng số tiền đó".
Theo vị trưởng phòng này, muốn làm việc đó, công ty chứng khoán phải nhờ tới ngân hàng. Hơn nữa, điểm bất lợi là nhà đầu tư đã nhận một số tiền tương ứng với thị giá của cổ phiếu. Trong khi với dịch vụ cầm cố, nhà đầu tư chỉ được vay số tiền tương đương một nửa, hoặc một phần ba thị giá cổ phiếu. "Tình hình này có lẽ chúng tôi phải đề nghị nhà đầu tư cầm cố thêm cổ phiếu, nếu không sẽ phải hủy hợp đồng và nhà đầu tư không có quyền sở hữu số cổ phiếu đã mua bằng tiền ứng trước", vị trưởng phòng nói thêm.
Phó phòng môi giới giao dịch một công ty chứng khoán khác cũng cho rằng, việc Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội (Hastc) huỷ kết quả khớp lệnh để đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư là hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, công ty chứng khoán phải xử lý lại toàn bộ lệnh đã xử lý hôm trước.
Trao đổi với báo giới sáng nay, ông Trần Văn Dũng, Giám đốc Hastc thừa nhận, sự cố TLT có ảnh hưởng tới các công ty chứng khoán do phải mất thời gian chỉnh sửa lại toàn bộ số liệu giao dịch. Ngoài ra, ngày hôm qua, khối lượng khớp lệnh của TLT là 124.000 đơn vị, nên chắc chắn phí giao dịch cũng khá cao và vì giao dịch bị hủy nên công ty chứng khoán sẽ mất khoản này. Ngoài ra, họ cũng sẽ mất thời gian và công sức phải giải trình với nhà đầu tư.
"Hastc đã có các thông báo gửi các công ty chứng khoán thành viên. Còn biện pháp giải quyết cụ thể thì sẽ phải bàn với các công ty chứng khoán. Chúng tôi cũng sẽ họp với các công ty chứng khoán. Nếu có phát sinh vấn đề gì khác sau vụ hủy giao dịch này thì sẽ cùng nhau tìm cách giải quyết", ông Dũng cho hay.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Vũ Quang Trung, Phó giám đốc Hastc, nếu tuân thủ đúng quá trình lưu ký, ba ngày sau phiên giao dịch, tiền mới đổ vào tài khoản của bên bán và chứng khoán sẽ về tài khoản bên mua. Cùng ngày xảy ra sự cố, kết quả giao dịch đã bị hủy nên theo nguyên tắc là chưa có việc chuyển giao tiền và chuyển giao chứng khoán.
Ông Trung cũng cho hay, ngay chiều qua, Hastc đã yêu cầu các công ty chứng khoán thành viên lập tức loại bỏ kết quả giao dịch của mã TLT và không thực hiện phong tỏa tài khoản TLT của nhà đầu tư. "Trong trường hợp mà công ty chứng khoán nào đấy tìm cách cho vay ứng trước thì không hiểu là họ thực hiện theo quy định nào", ông Trung nhấn mạnh.
Sự cố nhầm lẫn giá hôm qua cũng không quá bất ngờ với giới đầu tư bởi theo họ, các sự cố như sập sàn cũng từng xảy ra. Tuy nhiên, điều họ mong mỏi là các cơ quan quản lý nên cẩn trọng hơn để tránh những trường hợp tương tự xảy ra trong thời gian tới.
Phiên giao dịch đầu tiên sau sự cố nhầm giá tham chiếu của mã này, nhà đầu tư đã đua nhau đặt lệnh ở mức giá trần, 59.500 đồng. Vỏn vẹn 1.000 đơn vị được bên bán tung ra và chẳng thấm vào đâu so với cơn khát của bên mua. Dư mua giá trần vào lúc cuối phiên lên đến 755.600 cổ phiếu và dư bán bằng không. Giá tham chiếu TLT được áp dụng vào phiên sáng nay là 54.100 đồng.
Theo đánh giá của các nhà đầu tư, TLT được khá nhiều người quan tâm trong những tuần gần đây nhờ ngành nghề của Công ty Viglacera Thăng Long liên quan đến những lĩnh vực hấp dẫn như địa ốc, vật liệu xây dựng. Vì vậy, một số nhà đầu tư chưa bán được hôm qua lại thấy may mắn và cho rằng vụ nhầm lẫn giúp họ hiểu giá trị của mã TLT hơn. Nhiều người tuyên bố sẽ chưa tung hàng ra vội, chờ giá lên cao nữa.
Nhóm phóng viên