Tuần trước, hơn 70 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (mã CK: VDS) chính thức giao dịch trên sàn HOSE với giá tham chiếu 11.700 đồng một cổ phiếu. Đây là công ty chứng khoán thứ hai huỷ niêm yết trên sàn HNX trong vòng một tháng trở lại đây, nhằm thực hiện thủ tục chuyển sàn.
Cách đó không lâu, VietinBank Securities (mã CK: CTS) cũng đưa 90,4 triệu cổ phiếu góp mặt trên bảng điện tử HOSE sau khi kết thúc phiên giao dịch cuối cùng trên sàn HNX tại mức giá 13.300 đồng một cổ phiếu.
Dự kiến trong quý III năm nay, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect cũng nối gót 2 doanh nghiệp này huỷ niêm yết và đưa toàn bộ 155 triệu cổ phiếu lên HOSE.
Lý giải về việc hàng loạt công ty chứng khoán chuyển sàn trong giai đoạn đầu năm, bà Bùi Thị Thao Ly - Phó phòng phân tích, Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng cho rằng nguyên nhân chính xuất phát từ mục đích tăng tính thanh khoản cổ phiếu, mở rộng kênh huy động vốn trung và dài hạn theo yêu cầu của cổ đông chiến lược. Bên cạnh đó, do quy định công bố thông tin và chuẩn mực quản trị điều hành trên HOSE nghiêm ngặt hơn nên cũng là cơ hội gia tăng sự minh bạch và uy tín, qua đó cải thiện hình ảnh và củng cố vị thế của công ty trong hoạt động cung cấp dịch vụ tài chính cho nhà đầu tư khi sàn chứng khoán đang có tín hiệu ấm lên.
Thị trường chứng khoán phái sinh sắp được triển khai trong giai đoạn cuối năm nay cũng có thể là động lực thúc đẩy cho việc chuyển sàn hoặc niêm yết mới trên HOSE của các công ty chứng khoán. Để có thể tham gia vào thị trường phái sinh, bắt buộc các công ty chứng khoán phải có nguồn lực tài chính vững mạnh nên việc niêm yết là nhu cầu cần thiết để huy động thêm nguồn vốn lớn.
Đây không phải là lần đầu tiên làn sóng chuyển sàn xuất hiện. Từ năm 2015 đến nay, sàn HOSE đón ít nhất 7 “tân binh” từ HNX chuyển sang để thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài.
“Tần suất doanh nghiệp chuyển sàn ngày càng thường xuyên, nhưng khó có thể nói điều này sẽ tạo nên xu hướng cho các công ty đang niêm yết trên HNX. Hiện, còn rất nhiều cổ phiếu của các công ty vốn hóa lớn, tình hình kinh doanh tích cực vẫn niêm yết trên sàn HNX và chưa có dự định chuyển đổi như ACB, VCS…”, bà Ly nhận định.
Theo quy định, nếu cổ phiếu chuyển từ HOSE qua HNX, giá tham chiếu ngày giao dịch đầu tiên được lấy bằng giá trung bình năm phiên gần nhất. Ngược lại, giá tham chiếu được doanh nghiệp tính toán lại theo các phương pháp định giá tương tự như niêm yết mới.
Xét một vài trường hợp gần đây thì giá tham chiếu cổ phiếu phiên giao dịch đầu tiên trên sàn HOSE luôn thấp hơn giá đóng cửa phiên cuối cùng trên sàn HNX và chênh lệch khá lớn so với thời điểm công ty niêm yết lần đầu. Điển hình như giá tham chiếu phiên giao dịch đầu tiên của CTS thấp hơn giá đóng cửa phiên cuối cùng 550 đồng một cổ phiếu. Điều này khiến vốn hoá thị trường của công ty giảm gần 320 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên thì bật tăng lên mức 12.200 đồng một cổ phiếu, tương đương khoảng 8%.
Một chuyên gia đầu tư chứng khoán cho rằng, việc chuyển sàn chỉ mang tác động ngắn hạn đến giá cổ phiếu, còn xét về dài hạn, giá cổ phiếu sẽ phản ánh kết quả hoạt động kinh doanh cũng như kỳ vọng của nhà đầu tư đối với triển vọng phát triển của chính doanh nghiệp. Do đó, xuất phát điểm ở HOSE có thấp hơn trước nhưng cũng không phải bất lợi cho các doanh nghiệp chuyển sàn.
Cổ phiếu của các công ty chứng khoán trên HOSE đã tăng giá khá mạnh trong thời gian nhờ tín hiệu lạc quan của kết quả kinh doanh quý II. Dự báo trong giai đoạn cuối năm, sự phân hoá có thể còn lớn hơn do thị trường chứng khoán phái sinh chính thức được vận hành tạo nên sự cạnh tranh khốc liệt về thị phần môi giới.
Hiện, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận có 26 công ty chứng khoán đang giao dịch, nhưng nhìn chung chỉ một số mã như SSI, HCM (của sàn HOSE) và VND, SHS (của sàn HNX) giao dịch sôi động và thu hút nhà đầu tư quan tâm. Điểm chung của các công ty này là vốn hoá thị trường lớn, thị phần duy trì ổn định và xây dựng thương hiệu mạnh.
Phương Đông