Hàng loạt công ty chứng khoán đầu năm 2021 đặt kế hoạch thận trọng bởi quan ngại thị trường sẽ hạ nhiệt sau một năm tăng nóng. Tuy nhiên, thực tế lại trái ngược hoàn toàn. Dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân trong nước vẫn ồ ạt chảy vào chứng khoán giúp các công ty trong ngành có thêm một năm kinh doanh thành công.
Báo cáo tài chính của 10 công ty dẫn đầu thị phần môi giới trên sàn chứng khoán TP HCM (HoSE) có một điểm chung: doanh thu và lợi nhuận đều lập kỷ lục từ khi thành lập. Nhóm này có 5 công ty chứng khoán đạt mức tăng trưởng doanh thu trên 100%, cá biệt FPTS và KIS lên đến 240%. Môi giới chứng khoán và cho vay ký quỹ vẫn là hai trụ cột chính giúp các công ty ghi nhận tăng trưởng hai, thậm chí ba chữ số so với năm trước.
Trong năm đầu tiên vươn lên dẫn đầu thị phần môi giới, Chứng khoán VPS thu hơn 9.518 tỷ đồng, tăng gần 6.000 tỷ đồng so với cùng kỳ. Con số này bằng doanh số của công ty đứng thứ hai và thứ bảy trên bảng xếp hạng thị phần cộng lại.
Công ty Chứng khoán Techcombank xếp thứ sáu về thị phần môi giới cổ phiếu, thứ tư về doanh thu nhưng lại dẫn đầu ngành về lợi nhuận trước thuế với hơn 3.800 tỷ đồng nhờ thắng lớn của hoạt động tự doanh và cho vay ký quỹ. Do mức nền cao của năm trước nên Chứng khoán Techcombank lại là công ty có mức tăng trưởng danh thu và lợi nhuận thấp nhất trong top 10, lần lượt đạt 59% và 42%.
Sau nhiều năm thống trị, Chứng khoán SSI dần tụt lại trong cuộc đua với các công ty chứng khoán được hậu thuẫn bởi các ngân hàng. SSI về nhì thị phần, doanh số lẫn lợi nhuận trước thuế. Tuy nhiên, nếu không so sánh với các đối thủ thì 2021 là một năm thành công ngoài mong đợi của công ty này khi doanh thu tăng 70% và lợi nhuận tăng đến 113%, lần lượt lập đỉnh 7.292 tỷ đồng và 3.326 tỷ đồng.
Chia sẻ với VnExpress, ông Kang Moon Kyung – Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) nói rằng không quá bất ngờ khi các công ty tự xô đổ kỷ lục của chính mình bởi năm ngoái hội tụ đủ thiên thời, địa lợi và nhân hoà. Chính công ty này cũng có doanh thu và lợi nhuận cao nhất từ khi tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam, lần lượt đạt 2.450 tỷ đồng và 957 tỷ đồng.
"Thị trường có hơn 1,5 triệu nhà đầu tư mới và tâm lý họ rất hưng phấn khi dịch bệnh được kiểm soát là nguyên nhân giúp các công ty chứng khoán bội thu", ông Kang nhận định. Ông bổ sung thêm hai yếu tố khác thúc đẩy đà tăng trưởng là mặt bằng lãi suất thấp khiến dòng tiền dịch chuyển từ ngân hàng, bất động sản sang chứng khoán và Chính phủ lên kế hoạch tung các gói hỗ trợ kinh tế.
Không riêng nhóm đầu ngành, các công ty chứng khoán quy mô trung bình và nhỏ cũng trải qua giai đoạn tưng bừng nhất trong lịch sử. Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) tăng trưởng lợi nhuận 87% để lần đầu đạt mức nghìn tỷ. Chứng khoán ACB tăng 210%, Rồng Việt tăng 178%, BSC tăng 170%, TPS tăng 162%.
Mức tăng này vẫn là khiêm tốn nếu đặt trên bàn cân với Chứng khoán Smart Invest (SISI) và Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương (APS). SISI ghi nhận lợi nhuận trước thuế cả năm đạt 472 tỷ đồng, tăng 118 lần so với năm trước, tức tăng 11.700% nhờ đầu tư và môi giới trái phiếu. Trong khi đó, APS báo lãi trước thuế hơn 700 tỷ đồng, gấp 11 lần cùng kỳ. Hai công ty này đều đặt mục tiêu trong ngắn hạn sẽ chen chân vào top 10 thị phần môi giới lớn nhất trên sàn chứng khoán.
Ông Nguyễn Quang Huy, Thành viên Hội đồng quản trị Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương, cho rằng mục tiêu của công ty này lẫn các doanh nghiệp cùng ngành sẽ thách thức hơn bởi mức nền cao của năm 2021 và thị trường có thể giảm nhiệt.
Theo ông Huy, kinh tế hồi phục và hoạt động sản xuất kinh doanh tái khởi động sẽ khiến dòng vốn phân tán, không đổ vào chứng khoán mạnh như trước. Đợt điều chỉnh gần đây cũng là lời cảnh tỉnh, cho nhà đầu tư thấy thị trường chứng khoán không dễ kiếm lời nếu chưa trang bị kiến thức và kinh nghiệm. Do đó, các công ty cũng phải chạy đua tìm nhà đầu tư mới, phát triển các sản phẩm và dịch vụ chất lượng để kích thích nhà đầu tư giải ngân.
"Năm nay công ty chứng khoán phải vất vả hơn nhiều", ông Huy dự đoán.
Phương Đông