Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) là một trong ba doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ hàng đầu Việt Nam. Doanh nghiệp này đã đặt cược vào chuyển đổi số như chiến lược ưu tiên hàng đầu. Năm 2020, PTI đầu tư nâng cấp công nghệ lõi, hợp tác với các startup công nghệ và ra mắt nhiều sản phẩm mới trên kênh số, bao gồm ứng dụng di động PTI dành cho bảo hiểm xe máy.
PTI chuyển đổi số hoạt động trong bối cảnh dung lượng thị trường bảo hiểm số trong năm 2020 tăng trưởng nhiều hơn hai con số, bà Hoàng Thị Yến, Giám đốc Công ty PTI Digital, chia sẻ. Đại dịch để lại những tác động tiêu cực đến tăng trưởng chung của thị trường. Tuy vậy, Covid-19 cũng mang đến cơ hội chưa từng có với thị trường bảo hiểm trực tuyến.
"Thị trường công nghệ bảo hiểm (insurtech) Việt Nam chưa thể có nhiều đột phá vì doanh nghiệp vẫn đang trong quá trình xây dựng và đầu tư vào nền tảng cho phát triển trong dài hạn", bà Yến nhận định. Bà cho rằng điều các doanh nghiệp sẽ làm trong năm 2021 là tập trung vào trải nghiệm khác hàng đầu tạo sự khác biệt.
Miếng bánh ngon doanh nghiệp ngoại
Tại Việt Nam, thị trường insurtech được đánh giá còn khá sơ khai, quy mô nhỏ. Song giới chuyên gia nhận định tốc độ phát triển đang diễn ra khá nhanh và các công ty mới hoàn toàn có cơ hội để trở thành đối thủ của các công ty bảo hiểm truyền thống.
Ngoài tự cạnh tranh lẫn nhau, các các công ty bảo hiểm còn có chiến lược đối phó với startup trong lĩn vực. Việc các công ty truyền thống hợp tác với startup khiến cả đôi bên cùng có lợi. Những cú bắt tay như vậy giúp họ tận dụng kinh nghiệm ở mảng bảo hiểm với lợi thế công nghệ của công ty insurtech. Bên cạnh đó, tỷ lệ dân số dùng bảo hiểm còn thấp và tầng lớn trung lưu gia tăng khiến Việt Nam trở thành thị trường đặc biệt hấp dẫn.
Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tổng phí bảo hiểm các công ty bảo hiểm thu trong năm 2020 đạt 160.000 tỷ đồng, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, chỉ dưới 8,5% dân số Việt Nam có bảo hiểm nhân thọ. Không khó hiểu khi có nhiều startup nước ngoài đang "nhòm ngó" đến miếng bánh này. Igloo, một công ty insurtech có trụ sở ở Singapore đã nhanh chóng có mặt ở Việt Nam hồi năm ngoái.
Wei Zhu, người sáng lập kiêm CEO Igloo đánh giá Việt Nam là thị trường "tăng trưởng khổng lồ" với dân số trẻ, thích công nghệ và tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng về số lượng. Igloo đã bán 100 triệu hợp đồng bảo hiểm ở Singapore, Philippines, Thái Lan, Việt Nam và Indonesia. Cách đây 2 năm, 9Lives, một startup từ Hàn Quốc, ra mắt ở Việt Nam thông qua thoả thuận với PTI. 9Lives cung cấp một nền tảng bảo hiểm trị giá nhỏ thông minh, hướng tới tầng lớp trung lưu.
Startup so sánh bảo hiểm trực tuyến PasarPolis của Singapore mới đây đã chốt vòng gọi vốn 5 triệu USD. Đây là số tiền mà PasarPolis sẽ dùng để cải thiện hình ảnh ở Đông Nam Á, chủ yếu tập trung vào Thái Lan và Việt Nam. Khoảng 30 triệu người đã mua bảo hiểm thông qua cổng so sánh của PasarPolis.
Thị trường công nghệ bảo hiểm trong nước cũng có một vài cái tên đáng chú ý, trong đó có Papaya. Startup này cung cấp giải pháp phục vụ phúc lợi nhân viên thuận tiện và hiện đã có hợp đồng với 2 công ty là FWD và Bảo Minh.
Papaya đang xử lý yêu cầu bồi thường bảo hiểm cho khoảng 8.000 nhân sự và có tham vọng trở thành một hệ sinh thái chăm sóc sức khoẻ cho nhân viên các doanh nghiệp. Startup này cho biết muốn giúp khách hàng tìm kiếm nhà cung cấp dịch vụ y tế, thanh toán hoá đơn, quản lý hồ sơ bệnh án, sức khoẻ, tất cả trong một nền tảng.
Một startup insurtech khác của Việt Nam là Inso. Thành lập vào năm 2018, Inso cung cấp một ứng dụng di động cho phép người dùng chọn gói bảo hiểm dựa trên yêu cầu và thực hiện yêu cầu bồi thường. Bên cạnh các sản phẩm như bảo hiểm xe, bảo hiểm y tế, bảo hiểm nhà, tài sản, công ty còn có các gói bảo hiểm chuyên dụng khác như bảo hiểm trễ chuyến bay hay bảo hiểm trả hàng.
Còn Miin là startup tập trung vào mảng bảo hiểm vi mô, ra mắt năm 2019. Hiện tại, ứng dụng này có hơn 100.000 khách hàng và đã bán hơn 680.000 gói bảo hiểm. Inso và Miin đều hợp tác với PTI.
Thành Dương (theo FintechNews)