Vow hợp tác với giáo sư Ernst Wolvetang ở Viện kỹ thuật sinh học Australia thuộc Đại học Queensland để tạo ra protein cơ bắp voi ma mút. Nhóm nghiên cứu của ông giải trình tự ADN cho protein myoglobin của voi ma mút, loại protein cơ bắp chủ chốt cung cấp vị thịt, và dùng ADN của voi để bổ sung vào một số chỗ khuyết. Trình tự này sau đó được đưa vào tế bào gốc nguyên bào sợi lấy từ cừu, nhân lên thành 20 tỷ tế bào mà công ty sử dụng để nuôi cấy thịt voi ma mút. Theo Wolvetang, phương pháp này rất nhanh và dễ dàng. Họ chỉ mất hai tuần để hoàn thành. Ý tưởng ban đầu là sản xuất thịt chim dodo, nhưng trình tự ADN cần thiết để ứng dụng phương pháp không tồn tại.
Tim Noakesmith, nhà đồng sáng lập Vow, chia sẻ công ty chọn voi ma mút lông xoăn bởi đó là biểu tượng cho sự mất đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu. Voi ma mút được cho là tuyệt chủng do con người săn bắt và khí hậu ấm lên sau kỷ Băng Hà cuối cùng.
Chưa có ai từng nếm thử thịt viên voi ma mút. "Chúng ta chưa từng thấy loại protein đó trong hàng nghìn năm. Vì vậy chúng ta không biết hệ miễn dịch sẽ phản ứng như thế nào khi ăn thử. Nhưng nếu hồi sinh thịt voi ma mút, chúng ta chắn chắn có thể khiến nó dễ ăn hơn", Wolvetang chia sẻ. Ông hiểu ban đầu mọi người sẽ dè chừng loại thịt như vậy bởi nó hơi kỳ lạ và mới mẻ. Tuy nhiên, từ góc độ môi trường và đạo đức, Wolvetang cho rằng thịt nuôi cấy rất ý nghĩa.
Dự án hướng tới chứng minh tiềm năng của thịt nuôi cấy từ tế bào mà không cần giết mổ động vật, đồng thời nêu bật mối liên hệ giữa sự diệt vong của động vật hoang dã và khủng hoảng khí hậu. Thịt viên voi ma mút được giới thiệu vào tối ngày 28/3 tại Nemo, bảo tàng khoa học tại Hà Lan.
Nhiều công ty đang tìm cách thay thế thịt truyền thống như thịt lợn, bò, gà. Nhưng Vow nhắm đến kết hợp tế bào từ các loài khác thường để tạo ra loại thịt mới. Công ty đang tìm hiểu tiềm năng từ hơn 50 loài, bao gồm lạc đà alpaca, trâu, cá sấu, kangaroo, chim công và cá. Loại thịt nuôi cấy đầu tiên bán cho thực khách sẽ là thịt chim cút Nhật Bản, dự kiến có mặt trong các nhà hàng tại Singapore trong năm nay. Theo George Peppou, giám đốc điều hành Vow, công ty tìm kiếm những tế bào dễ nuôi, thực sự ngon miệng và giàu dưỡng chất, sau đó kết hợp để tạo ra món thịt mới hấp dẫn.
Những giải pháp thay thế thịt dựa trên thực vật hiện nay khá phổ biến nhưng thịt nuôi cấy mô phỏng vị của thịt truyền thống. Thịt nuôi cấy như thịt gà từ Good Meat hiện chỉ được bán cho người tiêu dùng ở Singapore, nhưng hai công ty đã xin cấp phép ở Mỹ. Năm 2018, một công ty sử dụng ADN từ động vật tuyệt chủng để tạo ra kẹo dẻo bằng gelatine lấy từ mastodon, loài vật giống voi.
Sản xuất thịt quy mô lớn, đặc biệt là thịt bò, gây tác hại to lớn cho môi trường. Nhiều nghiên cứu cho rằng cần cắt giảm một phần lớn lượng thịt ở quốc gia phát triển để chấm dứt khủng hoảng khí hậu. Thịt nuôi cấy sử dụng ít nước và đất hơn nhiều thịt chăn nuôi, đồng thời không thải khí methane. Theo Vow, tất cả năng lượng họ sử dụng đến từ nguồn tái tạo và không dùng huyết thanh thai bò, chất trung gian phát triển lấy từ phôi thai gia súc, trong bất kỳ sản phẩm thương mại nào.
An Khang (Theo Guardian)