Theo đề xuất vừa được Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) trình Chính phủ, cơ quan tái cho vay thế chấp nhà ở quốc gia dự kiến được thiết lập dưới hình thức công ty tài chính TNHH một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn hoặc nắm chi phối trên 75% vốn điều lệ.
Với mục đích giải quyết tồn kho bất động sản, hình thành thị trường nhà ở cho người thu nhập thấp và giải quyết bài toán nguồn vốn trung, dài hạn cho thị trường, công ty này sẽ là một cơ quan trực thuộc Chính phủ và có vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng. Công ty sẽ hoạt động theo 2 hình thức là tái cho vay thế chấp và mua lại các khoản nợ cho vay nhà ở thu nhập thấp từ các ngân hàng.
Công ty tái cho vay thế chấp nhà ở sẽ thúc đẩy thị trường nhà ở trong tương lai. Ảnh: Hoàng Hà. |
Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV, nhấn mạnh, công ty này vẫn sẽ trực thuộc Bộ Tài chính và là một cơ quan của Chính phủ. "BIDV chỉ là đơn vị đề xuất Chính phủ xem xét và BIDV sẵn sàng hỗ trợ để tổ chức công ty đi vào hoạt động trong 1-2 năm đầu. Sau đó, BIDV sẽ chuyển giao lại toàn bộ công ty cho cơ quan do Chính phủ chỉ định", ông Trần Bắc Hà cho biết.
Theo ông Trần Lục Lang - Phó tổng giám đốc BIDV - trong 5 năm đầu, để có nguồn vốn tài trợ cho thị trường nhà ở thu nhập thấp, công ty sẽ huy động thêm khoảng 50.000 tỷ đồng vốn trung và dài hạn từ các nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc huy động số tiền này từ các nguồn vốn trên có thể gây sức ép lớn lên ngân sách và nợ công. Đặc biệt, trong bối cảnh Công ty quản lý tài sản quốc gia (VAMC) của Chính phủ cũng sắp được ra đời và VAMC có thể cũng phải mượn tới nguồn tiền từ việc phát hành trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh.
Giải đáp những lo ngại này, ông Trần Phương - Phó tổng giám đốc BIDV - cho biết, ngoài nguồn vốn đến từ việc phát hành trái phiếu Chính phủ, công ty tái cho vay thế chấp nhà sẽ sử dụng 7 phương thức huy động đa dạng khác. Trong đó có các nguồn như nhận tiền gửi của các tổ chức trong và ngoài nước, sử dụng nguồn vốn hỗ trợ ODA, vốn vay tại các định chế tài chính cũng như trông chờ vào sự tái cấp vốn từ Ngân hàng Nhà nước với lãi suất hợp lý... "Với việc đa dạng hóa cách thức huy động vốn như vậy thì cơ sở để triển khai là hoàn toàn khả thi", ông Trần Phương quả quyết.
Song song với việc đưa ra giải pháp cho thị trường bất động sản, BIDV cũng vừa công bố chương trình thực hiện quyết 01 và Nghị quyết 02 của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu... Kế hoạch hàng nghìn tỷ đồng giải cứu nền kinh tế được Chính phủ đưa ra đầu năm 2013 và BIDV là đơn vị đầu tiên công bố các gói thực hiện. Theo đó, BIDV sẽ dành 30.000 tỷ đồng để cho vay hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản từ năm 2013 đến năm 2015.
Trong đó, để kích cầu cho thị trường, sẽ có 19.500 tỷ đồng để cho vay cá nhân mua, thuê mua nhà xã hội. Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà cho rằng, để giải quyết khó khăn cho thị trường hiện nay, việc cần làm là phải giải quyết nhu cầu nhà ở xã hội. Đại diện này cũng cam kết lãi suất cho vay sẽ bằng 90% lãi suất cho vay thông thường cùng kỳ hạn.
Riêng đối với các doanh nghiệp bất động sản, BIDV sẽ dành 10.500 tỷ đồng để cho vay các chủ đầu tư đang triển khai dự án nhà ở có giá bán dưới 15 triệu đồng một m2 với mức cho vay tối đa 70% tổng mức đầu tư dự án. Tuy nhiên, ông Trần Bắc Hà cũng nhấn mạnh: "Các ngân hàng thương mại sẽ không dại cho vay những dự án thuộc phân khúc đang ứ đọng tại thị trường. Để giảm bớt khó, những dự án mới giải phóng mặt bằng thì tạm thời có thể dừng lại, các dự án thương mại không đảm bảo có thể chuyển đổi thành dự án nhà ở xã hội".
Thanh Thanh Lan