Thứ hai, 13/1/2025
Thứ bảy, 21/12/2019, 09:30 (GMT+7)

Công trường khảo cổ bãi cọc nhà Trần

Hải PhòngCông trường khảo cổ học bãi cọc ở cánh đồng Cao Quỳ rộng 950 m2 gồm 3 hố khai quật, được đào sâu xuống 2,5 mét để phục vụ nghiên cứu.

Chiều 20/12, đoàn chuyên gia của Viện Khảo cổ học, Hội Sử học và Viện Địa chất Việt Nam đến thực địa công trường khai quật khảo cổ học bãi cọc trên cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên.

Công trường khảo cổ học rộng 950 m2 gồm 3 hố khai quật. Một số nhà khoa học bước đầu xác định đây là bãi cọc quy mô lớn, quan trọng, liên quan đến chiến dịch Bạch Bằng Giang chống quân xâm lược Nguyên Mông của nhà Trần năm 1288, do Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy. Bãi cọc mở ra hướng nghiên cứu mới về chiến dịch Bạch Đằng Giang, có thể làm thay đổi nhận định trước đây.

Các cọc bằng gỗ lim, táu, sến... xuất lộ ở độ sâu 75 cm đến 110 cm. Khác với cọc tại bãi cọc được phát hiện tại Quảng Yên (Quảng Ninh) trước đây, cọc tại bãi cọc Cao Quỳ to hơn và đặc biệt các chân cọc được cắt bằng, thay vì vát nhọn.

Để nghiên cứu và đưa ra những kết luận chính xác hơn về bãi cọc Cao Quỳ, Viện khảo cổ học đã đào sâu xuống 2,5 m. Qua đó ghi nhận các cọc có chiều dài và đường kính khác nhau, trong đó cọc dài nhất gần 5 m, cọc có đường kính lớn nhất 0,5 m, được đóng cách nhau 4 đến 5 theo phương thẳng đứng hoặc nghiêng; có cọc nằm ngang ở độ sâu tới 2,5 m

Tất cả các cọc đều có ngoàm ngang thân. Các nhà khoa học đưa ra nhiều giả thiết khác nhau về ngoàm trên thân cọc, như: Dùng buộc dây để trâu, bò kéo; kết bè di chuyển cọc trên sông; làm điểm tì cho việc đóng cọc xuống sông.

Cọc gỗ lim nằm nghiêng góc 45 độ, theo hướng Tây Nam, ngược với dòng chảy của sông.

Một số đầu cọc đã mục theo thời gian mưa nắng.

Tại hố cọc thứ 3, các nhà khảo cổ học phát hiện vật hình tròn có đường kính một mét, ở giữa rỗng và các lớp chất liệu đen có thể là gỗ bị cháy.

Một cọc lim dài gần 5 m, đường kính 0,5m ở tư thế nằm ngang được phát hiện vào chiều 19/12 ở vị trí ngoài phạm vi 3 hố khảo cổ, cũng trên cánh đồng Cao Quỳ.

Trước đó ngày 18/12, một phần bãi cọc nhọn bằng gỗ lim phát lộ dưới lớp bùn tại 3 hố trên cánh đồng Cao Quỳ. Hai mẫu cọc được giám định bằng phương pháp đồng vị phóng xạ Cacbon 14 cho kết quả niên đại từ năm 1270 đến 1430.

Giang Chinh