Ba người bị cảnh sát bắt giữ gồm Dương Văn Khanh (38 tuổi), đội trưởng đội thi công số 7, Nguyễn Ngọc Hà, giám sát kỹ thuật và Nguyễn Văn Sỹ, tư vấn giám sát.
Theo cơ quan điều tra, 3 cán bộ trên đã rút ruột vật tư tại mố cầu A2; rút vữa Sika, 48 ống Sonic tại 2 cọc nhồi tại trụ cầu chợ Đệm (huyện Bình Chánh, TP HCM). Công an đang lấy lời khai và làm rõ những cá nhân liên quan.
Dự án đường cao tốc TP HCM - Trung Lương đang trong giai đoạn thi công. Ảnh: Cienco5. |
Đường cao tốc TP HCM - Trung Lương do Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ Giao thông Vận tải) làm chủ đầu tư. Vụ việc xảy ra tại gói thầu do Công ty CP xây dựng cầu 12 Thăng Long (thuộc Tổng công ty xây dựng Thăng Long) thi công.
Trao đổi vơi VnExpress.net, ông Lê Quang Huy, Chánh văn phòng Tổng công ty xây dựng Thăng Long cho biết, Tổng công ty đã chỉ đạo Tổng giám đốc Công ty CP xây dựng cầu 12 giải trình, kiểm điểm các cán bộ liên quan và chấn chỉnh hoạt động.
"Các hạng mục khác của dự án đường cao tốc TP HCM - Trung Lương mà đơn vị này thực hiện cũng được tiến hành rà soát", ông Huy nói.
Ông Huy cũng khẳng định, việc không đổ vữa vào ống Sonic là trái với thiết kế, song không ảnh hưởng chịu lực của cọc nhồi.
Theo ông Đỗ Ngọc Dũng, Phó Tổng giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư), vụ rút ruột không ảnh hưởng đến tiến độ thi công của dự án. "Đây là sự cố trên công trường, ăn cắp vật liệu xây dựng. Chúng tôi đang tổ chức rà soát lại toàn bộ để tìm hiểu sự việc", ông Dũng nói.
Ông Nguyễn Văn Công, Chánh Văn phòng Bộ Giao thông Vận tải cho biết, Bộ đã yêu cầu Ban quản lý dự án Mỹ Thuận và Tổng công ty xây dựng Thăng Long khẩn trương báo cáo vụ việc. Trên cơ sở các báo cáo này, lãnh đạo Bộ sẽ có hướng xử lý.
Đường cao tốc TP HCM - Trung Lương dài gần 62 km, khởi công cuối năm 2004, nối huyện Bình Chánh (TP HCM) với huyện Châu Thành (Tiền Giang) với vốn đầu tư được điều chỉnh lên gần 10.000 tỷ đồng. Đây là tuyến đường được thiết kế đạt tiêu chuẩn quốc tế về đường cao tốc với vận tốc 120 km một giờ gồm 4 làn xe (tính đến năm 2010), mở rộng 8 làn xe vào năm 2020. Khi hoàn thành, đường cao tốc này sẽ rút ngắn 50% thời gian từ TP HCM về Tiền Giang. |
T.Anh - K.Cường - Đ.Loan