Đây là kết luận của Sở Xây dựng TP HCM công bố chiều hôm qua, mặc dù sự cố xảy ra từ cuối tháng 10 năm ngoái. Báo cáo kết quả kiểm tra cũng cho thấy, sự cố xuất phát từ biện pháp thi công tầng hầm công trình chưa phù hợp.
Ngoài ra, một trong những nguyên nhân gián tiếp dẫn tới sự cố là các bên giám sát, quản lý dự án chưa quan tâm đúng mức đến quá trình thi công công trình.
Sở Xây dựng quyết định phạt tổng cộng 97 triệu đồng đối với các bên liên quan trong vụ công trình Sài Gòn Residences làm nghiêng chung cư Nguyễn Siêu.
Trong đó chủ đầu tư công trình là Công ty liên doanh trung tâm thương mại và căn hộ Sài Gòn bị phạt 10 triệu đồng vì lỗi chọn nhà thầu tư vấn xây dựng không đủ năng lực. Công ty Hainal - Konyi Việt Nam và McKillop Courtyard Việt Nam (là hai đơn vị tư vấn) có lỗi nhận thầu tư vấn vượt quá năng lực và vi phạm quy định quản lý chất lượng công trình, phạt mỗi đơn vị 27 triệu đồng.
Đơn vị thi công là Công ty cổ phần xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình phải nộp ngân sách tiền phạt 23 triệu đồng do lỗi quản lý chất lượng công trình và thi công gây lún nứt nhà lân cận. Để được cho phép thi công trở lại, Hòa Bình phải lập lại biện pháp thi công tầng hầm đảm bảo an toàn và trình chủ đầu tư phê duyệt.
Công ty TNHH tư vấn xây dựng Tân là đơn vị thẩm tra thiết kế biện pháp thi công tầng hầm phải nộp phạt 10 triệu đồng do có hành vi sử dụng số liệu, tài liệu không chính xác hoặc không phù hợp với thực tế.
Ngoài ra, các đơn vị này sẽ cùng chịu trách nhiệm liên đới với chủ đầu tư trong việc bồi thường các thiệt hại do sự cố. Đơn vị thi công và tư vấn có thể bị cấm nhận thầu dự án vốn ngân sách trong 2 năm, tính từ tháng 11/2007.
Vụ sụt vỉa hè và nghiêng chung cư Nguyễn Siêu ngày 31/10/2007, đã khiến 25 hộ dân với hơn 100 nhân khẩu phải sơ tán. Những tòa nhà lân cận công trình cao ốc đang xây như khách sạn Điện Lực 2 và các nhà dân khác cũng bị ảnh hưởng.
Sau sự cố chung cư số 5 Nguyễn Siêu bị nghiêng và nứt, UBND TP HCM và Sở Xây dựng đã yêu cầu người dân di dời khẩn cấp để đảm bảo an toàn. Thế nhưng hiện nay các hộ dân này đã quay trở về vì không nhận được tiền hỗ trợ từ phía chủ đầu tư. Trong khi đó, đại diện phía chủ đầu tư giải thích lý do không thực hiện nghĩa vụ tài chính cho một số hộ kinh doanh vì những đòi hỏi vô căn cứ.
Sở Xây dựng yêu cầu chủ đầu tư nhanh chóng thống nhất với các hộ dân chọn một đơn vị khác để kiểm định lại công trình. Căn cứ vào kết quả này, Sở sẽ quyết định phương án xử lý đối với chung cư này.
Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm chính trong việc bồi thường những thiệt hại cho các hộ dân cư ngụ trong tòa chung cư bị xảy ra sự cố. Trong trường hợp các bên không thống nhất được phương án xử lý, Sở Xây dựng đề nghị giải quyết tranh chấp thông qua tòa án.
Đối với những công trình lân cận có hư hỏng, lãnh đạo Sở Xây dựng thành phố yêu cầu chủ đầu tư phải thống nhất với các chủ sở hữu, chủ quản lý sử dụng để thuê đơn vị đủ điều kiện tiến hành kiểm định, đánh giá mức độ hư hỏng để khắc phục triệt để.
Ngoài ra, Sở Xây dựng còn đề nghị Thanh tra thành phố tiến hành thanh tra việc quản lý tài chính của dự án này. Đồng thời mời Cục Thuế cùng Sở Lao động thương binh và xã hội thành phố vào cuộc xử lý những sai phạm về thuế cũng như giấy phép lao động chủ đầu tư Sài Gòn Residences.
Chung cư Cosaco (còn được gọi là tòa nhà Nguyễn Siêu) cao 6 tầng và có khoảng 24 căn hộ với hơn 100 người sinh sống. Tòa nhà bị nghiêng ngày 31/10/2007. Chung cư này bị nghiêng bởi ảnh hưởng từ công trình Sài Gòn Resident 12 tầng do nhà thầu Hòa Bình Corporation đang thi công và Công ty Liên doanh căn hộ Sài Gòn làm chủ đầu tư. Tháng 6, Sở Xây dựng TP HCM đã ra quyết định đình chỉ thi công cao ốc Residence. Tuy nhiên, ngày 18/10/2007, Sở đã cho phép tiếp tục thi công dự án này. |
Vũ Lê