- Song song với việc ra mắt những bộ sưu tập mới, trong năm qua anh tham gia làm giám khảo của những cuộc thi thiết kế thời trang trong nước, anh chia sẻ gì về vai trò mới?
- Càng làm giám khảo, tôi càng thấy đây là công việc thú vị. Tôi không chỉ giúp các bạn bằng cách chia sẻ kinh nghiệm mà chính tôi cũng nhận lại sự kích thích từ đam mê sáng tạo, sự háo hức học hỏi của họ. Điều này có vẻ cần thiết với một người trong nghề như tôi.
- Theo anh, những cuộc thi thiết kế thời trang trong nước thời gian qua có tác động thế nào đến sự phát triển của ngành nói chung và với các bạn trẻ đam mê thời trang nói riêng?
- Mỗi năm chúng ta có thêm một đội ngũ trẻ gia nhập làng thiết kế thời trang, với một tấm bằng là giải thưởng một cuộc thi nào đó. Danh tiếng và sự công nhận ít nhiều giúp các bạn tự tin, năng nổ hơn, tiếp tục tìm tòi, khám phá năng lực sáng tạo để không lặp lại chính mình, tạo dựng nền tảng đầu tiên cho công việc về sau.
Dần dần chúng ta có một thị trường thời trang có tính cạnh tranh và đa dạng hơn khi có nhiều nhà thiết kế, so với việc chỉ có vài tên tuổi lặp đi lặp trước đây. Như vậy các cuộc thi đều cần thiết và tích cực với người sáng tạo trẻ và cả thị trường nói chung. Tuy nhiên, tôi hơi ngại là chúng ta có khá nhiều cuộc thi, và cũng khá nhiều thí sinh chỉ tỏa sáng trong cuộc thi. Về khả năng họ có thể đi đường dài và chứng tỏ "tôi đam mê" thì chưa rõ lắm.
- Nhưng thực tế nhiều nhà thiết kế trẻ bước ra từ cuộc thi, nhưng chưa có cơ hội khẳng định cũng như bổ sung vào lực lượng người làm nghề chuyên nghiệp trong nước. Anh nghĩ sao?
- Trước hết, tôi nghĩ cơ hội khẳng định mình sau những cuộc thi không phải chỉ do thiên thời mà phải là do chính các bạn tạo ra. Trước khi trách chưa có thị trường chuyên nghiệp để hoạt động, thì cũng phải tự hỏi mình đã làm hết sức, cống hiến hết mình vì đam mê thời trang mà ai cũng khẳng định khi đến với nghề này chưa?
Các bạn trẻ chính là những người sẽ trực tiếp góp phần làm nên thị trường chuyên nghiệp đó chứ không phải ai khác.
- Anh từng là nhà thiết kế trưởng thành từ một cuộc thi và phát triển sự nghiệp của mình trong giai đoạn thời trang Việt Nam chưa phát triển mạnh. Đứng ở góc độ người đi trước, bên cạnh những thuận lợi, lớp trẻ cần phải ý thức được khó khăn gì, để có thể thành công trong bối cảnh hiện nay?
- Thị trường thời trang ngày càng chuyên nghiệp hơn, sẽ có những đòi hỏi khắt khe hơn không chỉ trong công việc thiết kế mà còn tổ chức hoạt động và phát triển thương hiệu. Nó đòi hỏi các bạn bản lĩnh, tài năng nhiều hơn là chỉ dừng ở óc sáng tạo và giỏi vẽ vời, cắt may.
Về mặt chuyên môn, tôi nghĩ, trong một thị trường mỗi lúc một rộng lớn, khó khăn của các bạn và cả tôi nữa, là phải đi tìm cái riêng, giữa những cái chung mà có khi cả nước cả thế giới đang ào ạt, đổ xô làm mỗi mùa, mỗi năm. Làm được đúng cái mình mạnh, thị trường cần, thì mới mong thành công, chứ đừng nói là không có định hướng rõ ràng.
- Anh đã có những hỗ trợ như thế nào đối với những người đàn em, học trò của mình?
- Bên cạnh việc tham gia những cuộc thi thiết kế thời trang với vai trò giám khảo, đồng hành, chia sẻ kinh nghiệm làm nghề với các thí sinh, tôi cũng có một đội ngũ sáng tạo riêng cho thương hiệu của mình. Họ hầu hết là những nhà thiết kế trẻ, có nhiều năng lượng. Và cũng như tôi ngày xưa, họ cần được có thêm kinh nghiệm thực tế trong nghề nghiệp. Tôi tự tin có thể giúp được các bạn ở phần này.
Nhiều nhà thiết kế trẻ được nhiều người biết đến như Hà Nhật Tiến, Lê Thanh Hòa, Huy Trần đều là những người tôi phát hiện. Tôi cùng các em chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi về nghề trước khi các em tự bước trên đôi chân của mình.
- Muốn giúp đỡ thế hệ trẻ nhưng anh cũng là một nhà kinh doanh. Nếu sự đầu tư không nhận được kết quả như mong đợi, anh thấy sao?
- Tôi biết rõ quy luật đầu tư luôn đi kèm rủi ro, nên cũng không thấy phiền nếu kết quả nhận lại có thể không như mong đợi. Còn về những nỗ lực của cá nhân tôi trong nghề thì tôi cứ làm thôi. Và tôi luôn tin rằng đầu tư vào lớp trẻ là một sự đầu tư không hề vô ích.
- Anh vừa ra mắt bộ sưu tập côn trùng được thiết kế bởi những học trò của mình, điều mà không nhiều nhà thiết kế ở Việt Nam làm được, anh chia sẻ gì về điều này?
- Tôi chủ trương xây dựng hoạt động kinh doanh thời trang theo cách như vậy nên chắc chắn tôi xem đó là hướng đi lâu dài. Và tôi sẽ làm bằng tất cả khả năng để càng lúc nó trở nên chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.
Đầu tháng 11, bộ sưu tập "No.7 - Cám ơn Sài Gòn" ra mắt với một đêm diễn khá thành công. Tôi nhận được nhiều tình cảm của mọi người. Đó chính là động lực để tôi luôn sáng tạo không ngừng nghỉ. Sắp tới tôi cũng tham gia vào Elle Fashion Show Xuân Hè 2013 và giới thiệu bộ sưu tập mới với dòng thương hiệu của tôi.
- Elle Fashion Show tổ chức hai năm rồi nhưng năm nay anh mới tham gia, vì sao vậy?
- Có lẽ tôi và Elle được trời định trước là sẽ cho kết duyên sau hai năm khi chúng tôi biết tên, biết mặt và đã tìm hiểu thật kỹ về nhau (cười).
Tôi thực hiện một bộ sưu tập chỉ có 20 trang phục của dòng thương thiệu Kin by Cong Tri, được thiết kế theo khuynh hướng năng động, trẻ trung và hợp mốt hơn. Chất liệu chủ yếu được sử dụng là thun cotton, voan, lưới và sợi tổng hợp. Tôi muốn giới thiệu với mọi người một góc nhìn khác về những sáng tạo của tôi trong năm nay.
- Anh đánh giá thế nào về những show thời trang như Elle, Đẹp được đầu tư trong những năm gần đây?
- Tôi cho rằng từ hình thức đến nội dung, các show diễn đều hướng đến cách làm của các show diễn quốc tế. Êkíp của từng show luôn có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, chỉn chu hơn để hoàn thiện hình ảnh thương hiệu trước công chúng, chứ không đơn thuần là cho ra mắt một bộ sưu tập. Đây là một trong những tín hiệu quan trọng cho thấy chúng ta dần có dấu hiệu hình thành một thị trường thời trang chuyên nghiệp.
- Thực tế, sàn catwalk Việt hiện nay nhiều chiêu trò, ít chất thời trang, anh nhìn nhận điều này thế nào?
- Tùy vào mức độ phát triển của thị trường thời trang nói chung, trình độ cảm nhận, thưởng thức thời trang của khán giả ở mỗi nơi mà show diễn sẽ có những hình thức tổ chức phù hợp để thích nghi. Nếu như phương thức của người tổ chức show tạo được hiệu ứng và không nằm ngoài tiêu chí tôn vinh thời trang thì tôi đều thấy tốt. Hiện nay, có khi những cách làm như vậy đang là cần thiết, thu hút công chúng thưởng thức thời trang trong nước, tương lai có thể sẽ khác.
Tôi đánh giá cao việc ngày càng có nhiều nhà thiết kế trẻ xuất hiện trong những show diễn đẳng cấp. Có nhiều thương hiệu, nhiều phong cách, thậm chí là nhiều đẳng cấp cùng tham gia một show diễn sẽ giúp khán giả dễ phân biệt, so sánh hơn, mở ra sự lựa chọn đa dạng hơn.
- Trong năm qua, anh xuất hiện nhiều vai trò khác nhau cùng hàng loạt chương trình, anh làm sao để tái tạo năng lượng của mình?
- Được làm công việc mình yêu thích là một cách tái tạo năng lượng hiệu quả nhất với tôi lúc này.
Tâm Giao thực hiện