"Cả thế giới bị sốc vào ngày 7/10/2023, khi mọi người bị lôi khỏi phòng ngủ, khỏi nhà và khỏi các ngôi làng ở Israel", Công tố viên trưởng Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) Karim Khan nói trong cuộc phỏng vấn với CNN ngày 20/5, đề cập về thời điểm bùng phát xung đột Israel - Hamas.
Ông Khan cho biết văn phòng công tố viên ICC đang xin lệnh bắt Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant, thủ lĩnh Hamas Yahya Sinwar, chỉ huy lữ đoàn al-Qassam của Hamas Mohammed Deif và lãnh đạo chính trị Hamas Ismail Haniyeh.
Hội đồng thẩm phán ICC sẽ cân nhắc đơn xin lệnh bắt. Công tố viên Khan cho hay các cáo buộc chống lại nhóm thủ lĩnh Hamas gồm "tàn sát, giết người, bắt con tin, hãm hiếp và tấn công tình dục tù nhân, tra tấn, đối xử tàn bạo".
Các cáo buộc chống lại Thủ tướng và Bộ trưởng Quốc phòng Israel gồm "gây ra cuộc tàn sát, ngược đãi, gây ra nạn đói như một biện pháp chiến tranh, chặn viện trợ nhân đạo và cố tình nhắm vào dân thường trong xung đột".
Xung đột Gaza nổ ra sau khi Hamas tấn công Israel hôm 7/10/2023, khiến hơn 1.170 người thiệt mạng. Các chiến binh cũng bắt 250 con tin về Dải Gaza. Sau thỏa thuận trao đổi con tin hồi tháng 11 năm ngoái, khoảng 130 người vẫn bị giữ ở dải đất, ít nhất 36 người trong số này đã được một ủy ban pháp y Israel xác định là đã tử vong.
Israel đáp trả Hamas bằng cách mở chiến dịch ở Dải Gaza. Cơ quan y tế dải đất cho biết tính tới ngày 19/5, ít nhất 35.456 người đã thiệt mạng và 79.476 người bị thương vì xung đột. Người dân sống trong cảnh khó khăn khi nhà cửa bị tàn phá và thiếu thốn nhu yếu phẩm.
Nhiều hãng truyền thông cuối tháng trước đã đưa tin về khả năng ICC phát lệnh bắt quan chức cấp cao Israel và thủ lĩnh Hamas sau cuộc điều tra về xung đột ở Dải Gaza.
Thủ tướng Netanyahu chỉ trích động thái của ICC, cho rằng đó sẽ là "vết nhơ không thể xóa" với nền công lý. Ông cũng khẳng định Israel có hệ thống pháp luật độc lập điều tra nghiêm ngặt mọi hành vi phạm tội.
Khi được hỏi về những phát ngôn của Thủ tướng Israel, công tố viên Khan nói "không ai được đứng trên luật pháp". Ông Khan cho biết thêm nếu Israel không đồng tình với ICC, nước này có quyền kháng cáo trước các thẩm phán của ICC.
ICC, có trụ sở tại The Hague, Hà Lan, được thành lập để điều tra các tội ác nghiêm trọng nhất, trong đó có diệt chủng, tội ác chiến tranh và tội ác chống loài người. Israel không công nhận thẩm quyền của ICC. Tuy nhiên, nếu ICC phát lệnh bắt, các nước thành viên có nghĩa vụ thực thi nếu quan chức Israel đặt chân đến lãnh thổ của họ.
ICC từng phát lệnh bắt với cựu tổng thống Sudan Omar al-Bashir, cựu lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi và đương kim Tổng thống Nga Vladimir Putin. Lệnh bắt của ICC với các lãnh đạo quốc tế nhìn chung mang tính biểu tượng.
Ngọc Ánh (Theo CNN/Reuters/AFP)