Cũng theo công tố viên, công lao của nguyên phó thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra TP HCM trong điều tra vụ án Dung Hà không liên quan gì đến những sai phạm trong vụ án Phan Lê Sơn, nên không thể được sử dụng để giảm nhẹ hình phạt. Và hành vi của Nguyễn Mạnh Trung đã đủ yếu tố cấu thành tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
VKS lập luận, các bị cáo Trương Tấn Phi, Võ Song Toàn, Nguyễn Hữu Chung, Trần Dương… không trực tiếp đâm chém Phan Lê Sơn, chỉ rượt đuổi, cầm ly ném theo Phan Lê Sơn thì bị ông Trung cho là giết người. Nhưng còn Thọ “Đại Úy” cũng có mặt ở hiện trường, cầm hai chai bia hò hét, hô hào xông vào thì chỉ cho là gây rối trật tự công cộng. Như vậy là là không hợp lý. Kể cả xác định Thọ chỉ gây rối trật tự công cộng, nhưng với hậu quả làm chết 2 người thì việc bắt Thọ “đại úy” là tất yếu phải làm. Thế nhưng lực lượng điều tra do ông Trung chỉ đạo lại không thực hiện, thay vào đó bắt tạm giam Nguyễn Thị Kim Yến - chỉ phạm tội không tố giác tội phạm, thuộc trường hợp ít nghiêm trọng. "Điều đó cho thấy bị cáo cố ý không bắt giam Thọ để điều tra" - công tố viên kết luận.
Đại diện VKS cũng không chấp nhận tình tiết các bị cáo Năm Cam, Hồ Việt Sử, Đinh Văn Được, Hoàng Linh rút lại lời khai theo hướng có lợi cho Nguyễn Mạnh Trung. Lý do: lời khai các bị cáo này tại Cơ quan điều tra phù hợp với nhau, thậm chí còn có bản tự khai. Năm Cam chỉ rút một phần lời khai, vẫn cho rằng có nhậu chung với bị cáo 3 lần và có đi sinh nhật con bị cáo. Như vậy, theo VKS bị cáo biết rõ Năm Cam là trùm xã hội đen vừa đi cải tạo về, thì không thể có nhiều lần "tình cờ" gặp gỡ đến thế.
Luật sư hôm qua đề nghị xem xét biên bản cuộc họp ngày 13/2/2001 của Cơ quan điều tra TP HCM, và chấp nhận đó là tình tiết có lợi cho bị cáo. Tại cuộc họp này, kiểm sát viên Lê Thị Xuân Hoa phát biểu: “Theo quan điểm của tôi, hành vi của Thọ chưa phải là giết người mà chỉ là gây rối trật tự công cộng”. Ông Phạm Thanh Xuân, Trưởng phòng Kiểm sát điều tra thuộc VKSND TP HCM, chốt lại: “Với chứng cứ như thế thì khởi tố Nguyễn Văn Thọ về tội đồng phạm giết người là chưa thỏa đáng. Chỉ có thể khởi tố Thọ về tội gây rối trật tự công cộng và không cần thiết phải bắt giam, cho tại ngoại”. Tuy nhiên theo đại diện VKS, đây chỉ là cuộc họp bàn về xác định tội danh để đưa ra truy tố, không bàn đến việc tiếp tục điều tra hành vi giết người của Thọ “Đại Úy”, nên không thể coi đó là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm của Nguyễn Mạnh Trung.
Về cáo buộc của Nguyễn Mạnh Trung rằng nguyên phó giám đốc Công an TP HCM Võ Văn Măng chỉ đạo điều tra sai, công tố viên cho rằng đây là lỗi của chính bị cáo, vì đã không báo cáo, thể hiện hành vi giết người của Thọ trong hồ sơ. Theo VKS, trong suốt 1 năm kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án, việc tiến hành điều tra Thọ không thể hiện trong hồ sơ. Chỉ đến khi hết thời hạn điều tra thì mới quyết định xử lý Thọ tội gây rối trật tự công cộng. Đó là thủ đoạn của Nguyễn Mạnh Trung kéo dài thời gian điều tra, chờ hết thời hạn điều tra mà không có đủ chứng cứ thì xử lý Thọ tội nhẹ hơn.
Sau khi nghe lập luận của các công tố viên, luật sư Phan Trung Hoài đã phản đối và đề nghị VKS không suy luận mà phải cung cấp chứng cứ chứng minh Nguyễn Mạnh Trung có thủ đoạn kéo dài thời gian điều tra để xử lý Thọ tội gây rối. Bị cáo Trung cũng khẳng định lại rằng không hề có cơ sở để kết luận mình nhận tiền của Năm Cam và vì vậy đã bỏ lọt tội phạm. Ngoài ra không thể sử dụng lời khai nhân chứng, vốn chỉ là kể lại từ lời người khác nói, để làm chứng cứ buộc tội. Bị cáo lập luận: vụ án Phan Lê Sơn lúc đó thực sự rơi vào bế tắc do các nhân chứng sợ hãi không dám khai báo. Chính Cơ quan điều tra Bộ Công an sau này cũng phải khởi tố một số người về tội không tố giác tội phạm. Như vậy không thể cáo buộc Trung cố ý không điều tra bắt Thọ và để lọt tội phạm...
Hôm nay, luật sư Phạm Quốc Hưng bào chữa cho Châu Phát Lai Em trong vụ án giết Đổng Chí Nam cũng tham gia tranh luận. Ông cho rằng vụ này không liên quan đến vụ án Năm Cam, và việc nhập xét xử chung cả hai vụ là rất bất lợi cho bị cáo. Vào năm 1987 khi anh Nam bị giết, Lai Em chưa phải là giang hồ cộm cán, cũng không phải là đàn em Năm Cam. Việc Lai Em đánh nhau rồi giết Đổng Chí Nam bắt nguồn từ hành vi gây sự của Nam. Luật sư cũng cho rằng lơi khai có tính chất bất lợi của nhân chứng Nguyễn Minh Chánh không phù hợp với lời khai nhiều nhân chứng khác. Không thể có chuyện Chánh bất chấp trưa nắng (12h-2h), không làm việc gì cả để theo dõi được toàn bộ vụ xô xát giữa Lai Em và anh Nam.
Đại diện VKS bác bỏ hoàn toàn khi cho rằng, bị cáo có vai trò trong việc cưỡng đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, cần nhập xét xử chung trong vụ án Năm Cam. Bị cáo bị xét xử đứng người, đúng tội căn cứ vào lời khai nhân chứng Nguyễn Minh Chánh và mẹ nạn nhân - Đào Thị Út cùng những chứng cứ tổng hợp. VKS đình chỉ điều tra năm 1988 là do thiếu sót lời khai nhân chứng. Sau đó bị cáo lại tiếp tục hành vi giết người tại nhà hàng Vân Cảnh nên cần phải phục hồi điều tra.
Tuy nhiên kháng cáo giảm án của bị cáo Châu Phát Lai Em đang được gia đình nạn nhân ủng hộ. Bà Đào Thị Út, mẹ của anh Đổng Chí Nam, thỉnh cầu trước tòa: “Con tôi chết đã nhiều năm rồi. Gia đình Châu Phát Lai cũng đã lo mai táng, chăm sóc chu đáo. Nam cũng có cái sai, tôi không muốn thấy thêm cái chết nào nữa”.
Thiên Nguyên