Hai năm nay, anh Vũ đi lại nhiều hơn giữa Mỹ và Việt Nam. “Năm ngoái tôi về nước 4 lần. Ngày trước chỉ có công ty gia công phần mềm thì một năm về hai lần là đủ. Giờ có thêm các startup về sản phẩm thì tôi phải về nhiều hơn”, nhà đồng sáng lập KMS Technology nói.
Năm 1995, khi đang làm việc trong một công ty công nghệ lớn tại Mỹ, anh Vũ quyết định về Việt Nam lập nghiệp với lý do đơn giản. “Lúc đó không phải mình tôi mà nhiều Việt kiều muốn về nước kinh doanh để đóng góp gì đó. Mình trước sau gì cũng là người Việt. Nếu đất nước mạnh lên thì mình cũng thấy hãnh diện. Người đi xa, nhiều cảm giác nhớ quê thì rất dễ có tâm trạng đó”, anh nói.
Anh Vũ cùng cộng sự lập KMS Technology vào năm 2009. Cách đây ít hôm, công ty vừa vận hành văn phòng thứ 4 tại Việt Nam với nhân sự chạm mốc 900. Một đội ngũ vài chục người khác làm việc tại văn phòng ở Mỹ, do 95% doanh thu đến từ thị trường này.
“Thị trường Mỹ lớn lắm, mình 1.000 người nhằm nhò gì, chỉ là hạt cát thôi. Quan trọng không phải thiếu khách hàng mà là thiếu người làm được việc”, anh nói.
Thiếu kỹ sư chất lượng là câu chuyện muôn thuở của ngành IT Việt Nam. Nhận ra những giới hạn về nguồn cung lao động cho gia công phần mềm, anh Vũ nghĩ cách mới.
“Tôi không thể tạo ra thêm nhiều kỹ sư cho ngành gia công thì tôi muốn có hướng khác để các kỹ sư tạo giá trị lớn hơn”, anh kể lại lý do hình thành các dự án startup về phát triển sản phẩm.
Năm 2011, QASymphony - sản phẩm trong lĩnh vực kiểm thử phần mềm ra đời. Đến giữa năm 2017, dự án nhận được khoản đầu tư 40 triệu USD từ quỹ IVP. Sau thương vụ, KMS không còn chi phối startup này.
“Bạn muốn một miếng nhỏ của bánh lớn hay miếng lớn của một cái bánh nhỏ? Chúng tôi không giữ cổ phần chi phối nữa vì nhà đầu tư là một trong những người rất giỏi về phát triển các sản phẩm phần mềm lên mức độ lớn. Họ giỏi thì để cho họ làm, mình để tài lực và công sức đi xây cái khác”, anh nói.
Hiện giờ, anh Vũ Lâm phát triển tiếp hai startup mới, cũng về lĩnh vực kiểm thử là Katalon và Kobiton. Anh cho biết cả hai đều đang tăng trưởng lượng người dùng tốt.
Katalon được định hướng sẽ không bán mà giữ lại để KMS sở hữu. Trong khi đó, Kobiton đang chuẩn bị gọi vốn vòng đầu với 2 đến 2,5 triệu USD. Chuyện Kobiton có được bán hay không còn đang bỏ ngỏ.
Năm ngoái, anh lập vườn ươm UpStar Labs. Ngoài việc nuôi hai startup hiện có, vườn ươm này có kế hoạch tuyển chọn các dự án IT từ bên ngoài vào nửa cuối năm nay. Số lượng khá hạn chế, từ 2 đến 4 dự án, để tập trung đầu tư tốt nhất. Dự án sẽ được hỗ trợ chuyên môn lẫn tài chính khoảng 50.000-100.000 USD, ưu tiên liên quan đến trí tuệ nhân tạo, blockchain.
“Vườn ươm có hai văn phòng, tại Việt Nam và Mỹ. Hoàn toàn có thể xảy ra trường hợp bên Mỹ có một anh có ý tưởng tốt, ở Việt Nam có một anh có kiến thức tốt, mình kết hợp hai anh làm chung với nhau”, Vũ nói. Khi được hỏi về công thức chung để xây nên startup IT triệu USD, anh chia sẻ 3 điểm.
Thứ nhất, khi lựa chọn dự án phải xem xét dự án thuộc lĩnh vực nào và giải pháp công nghệ của nó hay ra sao. “Tôi muốn tìm người và ý tưởng ở những lĩnh vực khác. Ví dụ, có một người làm lĩnh vực tài chính vài chục năm. Họ nhận ra vài lỗ hổng và họ có ý tưởng để khắc phục. Mình sẽ gợi ý các công nghệ cho giải pháp của họ. Quan trọng là người đó có kiến thức thật về lĩnh vực đó. Chứ mình người ngoài, bàn với nhau là trong tài chính chắc cần cái này cái kia thì không đến đâu”, anh nói.
Thứ hai, khi triển khai thì đừng ngại tìm người giỏi. Làm CEO Kobiton hai năm, anh Vũ Lâm rút ra và thuê một CEO rất giỏi về điều hành và gọi vốn.
“Có thể rút ngắn thời gian tăng trưởng bằng cách chia bớt thành công cho người khác, bởi họ sẽ giúp mình sớm đạt được thành công lớn hơn. Nó có thể không hào nhoáng bằng việc ‘tôi tự mình làm bao nhiêu thứ, từ nhỏ đến lớn’. Chuyện đó rất khó, trong khi một nhóm làm sẽ nhanh hơn.
Thứ ba, khi gọi vốn thì số tiền không phải là tất cả. “Kêu gọi nhà đầu tư thì xem nhà đầu tư đó hỗ trợ được mình gì ngoài tiền. Mình chỉ nên làm những gì mình giỏi, mình làm được. Những gì mình thiếu thì tìm những nhà đầu tư giỏi hỗ trợ. Quan trọng là làm cho được việc chứ đừng tự ái, sợ bị đánh giá là dở”, anh nói.
Anh Vũ Lâm cho rằng, so với hai thập niên trước, startup lĩnh vực IT giờ dễ hơn, nhanh hơn, chi phí thấp hơn. Tất nhiên, điều đó đồng nghĩa với nhiều ý tưởng và cạnh tranh hơn.
“Giờ có cộng đồng mã nguồn mở, cung cấp rất nhiều công cụ. Khi có ý tưởng, 80% là dùng mã nguồn mở, mình chỉ cần xây 20%, trong khi ngày trước phải tự làm toàn bộ. Kinh phí startup cũng thấp. Nhiều bạn có ý tưởng thì ra quán café dùng wifi. Hồi xưa làm gì có, phải thuê văn phòng, trả tiền internet, điện nước. Máy móc cũng khác. Giờ một cái latop làm cũng được nhiều việc. Server thì lên Amazon thuê là xong...”, anh Vũ Lâm kể lại.
Tuy nhiên, dù thời nào thì với anh, startup IT cũng có quy luật chung. Đó là kiến thức lĩnh vực mà dự án triển khai phải tốt. Vấn đề đặt ra phải có thật và lớn đến mức độ nào để người dùng trả tiền cho lời giải cho mình. Lỗ hổng càng lớn thì giá trị của giải pháp đưa ra càng lớn.
Viễn Thông