Ngày trước, cứ hễ bình mẻ ủ trong niêu gốm chín nồng là anh em tôi lại hùa nhau đánh tiếng với mẹ làm món giả cầy. Mỗi khi nhà ăn món này mẹ hay nói câu "ăn chân sau, cho nhau chân trước".
Theo kinh nghiệm đi chợ lâu năm của mình, mẹ bảo chân giò sau nhiều thịt, bắp chắc nịch, cả nhà đều thích ăn. Tuy nhiên, mỗi khi biếu ông ngoại, mẹ lại mua chân trước vì nó đẹp, cẳng chân giò trước cũng to, da dày, nhiều mỡ, nhiều gân, thường được dùng để cúng, nấu giả cầy hay cho sản phụ ăn.
Chân giò mua về mẹ đem bọc giấy báo vài lớp xung quanh, xoắn cho chắc lại rồi đem thui trên lửa. Cuối cùng, còn trơ da cái chân giò vàng ruộm, sạch lông. Chỉ cần dùng dao cạo nhẹ là nó sạch sẽ, bắt mắt.
Chân giò sau khi làm sạch thì chặt vừa ăn, cho vào nồi. Bình mẻ chọn phần ở dưới cùng, đã chín nhất, chua nhất đem lọc lấy nước.
Nghệ ta giã nhỏ cũng lọc lấy nước. Món giả cầy ngon hay không một phần còn do chọn được giềng già và giã thật mịn. Mẹ tôi thường dành một ít giềng, bỏ vào nồi lúc sắp bắc xuống để nó dậy mùi hơn.
Để nấu món này, giềng, mẻ, nghệ đem bóp cùng chân giò, nêm thêm mắm tôm (nếu thích), muối, nước mắm vừa ăn. Lượng nước mẻ, nghệ, nước mắm xăm xắp mặt thịt. Để khoảng một giờ cho ngấm gia vị rồi mới bắt đầu đun. Khi nồi giả cầy sôi thì đun nhỏ lửa chừng nửa tiếng, cho đến khi thịt mềm, nước sền sệt. Nhiều người thích ăn chân giò khô thì cứ đun cho đến khi cạn nước, cháy cạnh nồi. Riêng mẹ tôi chỉ đun sền sệt rồi bỏ thêm vài củ hành đã cắt mỏng vào đảo đều, bắc xuống. Cho thêm 1-2 quả ớt chỉ thiên vào nữa còn làm món này khoái khẩu hơn.
Mỗi khi nấu giả cầy, mẹ thường mua thêm rau sống, trong đó không thể thiếu ngổ và hoa chuối để ăn kèm. Miếng thịt vàng óng ả, thơm bùi, béo mà không ngấy, ăn kèm vài hoa chuối giòn tan, trắng tinh mẹ vừa hái ngoài vườn vào thì không còn gì ngon hơn.
Tôi đã ăn món giả cầy nhiều người nấu nhưng không thể có mùi vị đặc trưng như của mẹ.
Văn Tuấn
Chia sẻ các bí quyết, kinh nghiệm chuẩn bị món ăn, nấu ăn của bạn tại đây hoặc về giadinh@vnexpress.net