Kể từ khi Liên Hợp Quốc công bố Báo cáo Hạnh phúc thế giới (World Happiness Report), các quốc gia Bắc Âu như Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, Iceland, liên tục xuất hiện ở đầu danh sách.
Đây không phải là trùng hợp. Các quốc gia Bắc Âu xếp hạng rất cao về mức độ hạnh phúc bởi họ có những thứ như giáo dục và chăm sóc sức khỏe miễn phí, tỷ lệ tội phạm thấp, mạng lưới an sinh xã hội tốt, dân số tương đối đồng nhất và họ khá thịnh vượng.
Tuy nhiên, có lẽ quan trọng nhất là các quốc gia này ưu tiên sự cân bằng và coi đó là "công thức của hạnh phúc". "Đó không phải là những xã hội đang nhắm đến việc dồn tất cả nỗ lực và thời gian để trở thành triệu phú, họ tìm kiếm sự cân bằng tốt trong cuộc sống và kết quả vô cùng tích cực", Jeff Sachs, đồng sáng lập Báo cáo Hạnh phúc Thế giới và là giáo sư tại Đại học Columbia, cho hay.
Dưới đây là cách người dân ở các nước Bắc Âu cân bằng giữa cuộc sống và công việc.
Không làm việc thêm giờ
″Khoa học đã chứng minh điều khiến chúng ta hạnh phúc là có thêm một chút thời gian", Laurie Santos, giáo sư tâm lý học tại Đại học Yale, dạy môn Khoa học Hạnh phúc, cho hay.
Người Đan Mạch làm việc 37 giờ trong 5 ngày mỗi tuần. Trong khi đó, theo Cục Thống kê Lao động, người Mỹ trung bình làm việc 44 giờ mỗi tuần, hoặc 8,8 giờ mỗi ngày.
Điều nổi bật hơn nữa là thái độ của người Đan Mạch đối với làm việc nhiều. Trong khi người Mỹ coi làm việc thêm giờ là cách thể hiện sự vinh dự và để thăng tiến, người Đan Mạch coi đó là điểm yếu - nó cho thấy bạn không thể hoàn thành công việc trong thời gian được giao, Kay Xander Mellish, một nhà tư vấn kinh doanh người Đan Mạch cho hay. Theo Bộ Ngoại giao Đan Mạch, hầu hết người dân nước này dừng làm việc vào khoảng 4 giờ chiều.
"Mọi người ý thức được rằng công việc rất quan trọng và cần hoàn thành với chất lượng cao, nhưng cũng cần đảm bảo nó cân bằng (với cuộc sống)", Alex Calvert, một người nước ngoài sống ở Copenhagen trong 7 năm với vợ và hai con cho hay.
Để làm việc hiệu quả nhất có thể, người Đan Mạch thường không bị phân tâm khi làm việc, Mellish nói. "Bạn có thể ở chỗ làm 7,5 giờ nhưng bạn làm việc suốt thời gian đó. Họ coi thời gian rảnh rỗi là thứ quan trọng nhất mà họ có, vì vậy rất hiếm khi họ đi chơi với đồng nghiệp sau giờ làm việc", Mellish nói thêm.
Các công ty ở Bắc Âu cũng sắp xếp công việc linh hoạt. Ví dụ, Saara Alhopuro, một nhà ngoại giao ở Helsinki, Phần Lan cho biết bà chỉ đến văn phòng ba lần một tuần. Bà được phép làm việc từ xa một ngày một tuần, và sau đó dành thời gian rảnh để làm việc theo sở thích của mình như chụp ảnh nấm.
Trong khi đó, tại Phần Lan, nhân viên có quyền thay đổi ngày làm việc sớm hơn hoặc trễ hơn ba giờ so với yêu cầu thông thường của chủ lao động.
5 tuần nghỉ phép có lương mỗi năm
Tại Đan Mạch, nhân viên toàn thời gian có tới 5 tuần nghỉ phép có lương mỗi năm, bất kể họ làm việc ở vị trí hoặc lĩnh vực nào.
Ngoài ra, nếu như ở nhiều nơi, người lao động thời không dùng hết thời gian nghỉ phép, người dân ở Đan Mạch tận dụng từng giờ nghỉ phép của họ. Nếu bạn khó liên lạc với ai ở Đan Mạch và Thụy Điển vào cuối tháng 7 hoặc tháng 8, rất có thể họ đang tận hưởng thời gian nghỉ hè.
Ở Phần Lan, nhiều người nghỉ hè trong các ngôi nhà được gọi là "mokki", nơi không có mạng hay các thiết bị công nghệ, để thư giãn với gia đình và bạn bè.
Không giống như nhiều người nghĩ, việc cho bản thân được nghỉ ngơi có thể cải thiện năng suất làm việc, Santos cho hay.
Sẵn sàng bỏ việc khi thấy không hạnh phúc
Christina Konig Koehrsen, một sinh viên nghệ thuật ở ngoại ô Copenhagen cho biết đã rời bỏ công việc quảng cáo trong 8 tháng vì bị căng thẳng, và công việc đơn giản là không đem lại cho cô hạnh phúc.
"Công việc đó không để tôi có được sự cân bằng với cuộc sống. Vì vậy, có một hệ thống giúp tôi có thể bỏ công việc của mình và có thời gian suy nghĩ, tìm hiểu về bước tiếp theo trong cuộc sống", Koehrsen nói. Trong thời gian "nghỉ vì căng thẳng" (stress leave), Konig Koehrsen được chính phủ trợ cấp 2.000 USD mỗi tháng.
Mọi người thường dùng "stress leave" khi công việc ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của họ, Mellish nói. Căng thẳng có thể là "kẻ giết sự nghiệp", bị so sánh với "khuyết tật cấp thấp".
Tự do là một giá trị khác được xã hội coi trọng và mang tính quyết định hạnh phúc của mỗi người, Sachs nói. "Bạn có thể định hình cuộc sống theo cách bạn muốn không? Nếu bạn bị mắc kẹt bởi nghèo đói, nếu bạn bị mắc kẹt bởi nợ nần, câu trả lời sẽ là không. Nếu bạn có cơ hội theo đuổi cuộc sống mà bạn muốn, câu trả lời là có. Và nếu có, điều đó khiến mọi người hạnh phúc hơn rất nhiều", ông nói.
Theo Santos, nhiều nghiên cứu cho thấy, bất kể sống ở đâu, việc tìm được công việc thực sự phù hợp với các giá trị cốt lõi của bạn có thể khiến bạn hạnh phúc hơn.
Hạnh phúc không tự nhiên mà có
"Chúng tôi trả tiền cho điều đó mỗi ngày và chúng tôi thực hiện nó theo nhiều cách", ông Mellich nói. Người dân ở các nước Bắc Âu phải trả nhiều khoản thuế cao nhất trên thế giới. Ví dụ, ở Đan Mạch, thuế doanh thu lên tới 25% và thuế xe hơi lên đến 150%.
Tuy nhiên, người dân ở các quốc gia Bắc Âu sẵn sàng trả các khoản thuế đó vì họ nhận được phúc lợi xã hội tốt một cách toàn diện bao gồm giáo dục và chăm sóc sức khỏe. Tất cả những thứ đó đều được bao gồm trong thuế.
Ánh Dương (Theo CNBC)