Tháng 5/1950, chiến tranh Triều Tiên bùng nổ, Mỹ cho Hạm đội 7 tiến vào eo biển Đài Loan, bảo hộ hòn đảo này, mặc cho Trung Quốc kịch liệt lên án. Để tỏ rõ quyết tâm giải phóng Đài Loan, ngày 3/9/1954, Trung Quốc đã tấn công trừng phạt các hòn đảo ven biển như Kim Môn, Mã Tổ tạo ra cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ nhất.
Trong thế giằng co, tháng 8/1958 Trung Quốc đột ngột tăng cường nã pháo vào đảo Kim Môn dẫn đến cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ hai. Mỹ tiếp tục điều Hạm đội 7 đến bảo vệ đường tiếp tế hậu cần từ đảo Đài Loan đến Kim Môn và Mã Tổ.
Trước sự đe dọa chia cắt lãnh thổ, ngày 4/9/1958, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai ra tuyên bố quốc tế về hải phận 12 hải lý kể từ đất liền của Trung Quốc trong đó có Đài Loan.
Giàn khoan Hải Dương 981 được Trung Quốc hạ đặt trái phép trong thềm lục địa của Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Thời điểm này, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Trung Quốc đang giữ quan hệ "anh em thân tình". Năm 1949, Việt Minh chiếm vùng Trúc Sơn thuộc lãnh thổ Trung Quốc từ tay các lực lượng khác rồi trao trả cho Quân giải phóng Trung Quốc. Năm 1957, Trung Quốc chiếm giữ đảo Bạch Long Vĩ của Việt Nam từ tay một số lực lượng khác, rồi cũng trao trả cho Việt Nam.
Xuất phát từ mối quan hệ đặc thù đó, Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi công thư, một cử chỉ ngoại giao của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong việc tôn trọng lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc, trước các diễn biến quân sự phức tạp trên eo biển Đài Loan.
Toàn văn công thư thể hiện: "Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4/9/1958 của Chính phủ nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc.
Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa trên mặt biển".
Công thư không nêu tên bất cứ quần đảo nào cũng không từ bỏ chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ngược dòng lịch sử, Hội nghị các nước đồng minh sau Thế chiến hai tổ chức tại San Francisco (Mỹ) năm 1951, 46/51 quốc gia tham dự đã bác bỏ yêu sách về chủ quyền của Trung Quốc trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cũng tại hội nghị này, Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền lâu đời và liên tục của mình trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong phiên họp toàn thể mà không có bất kỳ sự phản đối hay ý kiến nào khác của các quốc gia tham dự.
Hiệp định Genève 1954, mà Trung Quốc là một nước tham gia chính thức, cũng thừa nhận chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Việt Nam. Các điều khoản trong Hiệp định yêu cầu các quốc gia tham dự Hội nghị cam kết tôn trọng chủ quyền độc lập, nền thống nhất quốc gia và sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Do vậy, phần tuyên bố về chủ quyền của Trung Quốc liên quan tới hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam trong bản tuyên bố ngày 4/9/1958 về cơ sở pháp lý quốc tế là không có hiệu lực.
Theo Hiệp định Genève 1954, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm phía Nam vĩ tuyến 17 tạm thời thuộc quyền quản lý của Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Dưới góc độ tài phán quốc tế, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không có nghĩa vụ và quyền hạn hành xử chủ quyền tại hai quần đảo này theo luật pháp quốc tế.
Chính quyền VNCH, theo Hiệp định Genève 1954, đã liên tục thực thi chủ quyền lâu đời của người Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bằng các văn bản hành chính nhà nước cũng như bằng việc triển khai chủ quyền thực tế trên hai quần đảo này. Đỉnh cao của sự khẳng định chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là trận hải chiến quyết liệt của Hải quân VNCH chống lại sự xâm lược của tàu chiến và máy bay Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa năm 1974.
Theo baodientu.chinhphu.vn